Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ban hành các thông tư quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành, quy chuẩn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời hướng dẫn tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các văn bản liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; định mức đơn giá xây dựng, quy chuẩn đường cao tốc.
Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy, đây là quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng luật phải… chờ văn bản hướng dẫn!
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, dự thảo văn bản quy định chi tiết là một trong những tài liệu bắt buộc phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, vẫn xảy ra tình trạng một số luật dù đã có hiệu lực thi hành nhưng một số điều khoản bị “treo” vì phải “chờ” văn bản hướng dẫn. Cá biệt, có những văn bản hướng dẫn chậm ban hành lên tới vài năm. Đơn cử Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, nhưng đến ngày 10.2.2023, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để hướng quy định chi tiết Luật này.
Tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã được nói nhiều, bàn nhiều, nhưng việc khắc phục vẫn là bài toán khó. Trên diễn đàn Quốc hội, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết đã tồn tại nhiều năm, tuy nhiên giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2023 còn nợ 12 văn bản đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, để xảy ra tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu từ phía các chủ thể trình văn bản của các bộ, ngành.
Văn bản dưới luật là các văn bản phát sinh hiệu lực trực tiếp và được áp dụng phổ biến trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Do đó, việc chậm ban hành văn bản này vô hình trung tạo khoảng trống pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, làm khó cho cơ quan thực thi luật. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho luật chậm đi vào cuộc sống.
Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, ngành kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Để thực hiện được yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, để các Luật được ban hành triển khai ngay sau khi có hiệu lực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Theo đó, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, dự thảo văn bản hướng dẫn phải được trình song hành cùng với dự thảo văn bản luật. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản, làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, cơ quan để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn vì lý do chủ quan.