Giai đoạn ôn thi nước rút chính là thời điểm mà học sinh lớp 12 phải cùng lúc đối diện với nhiều áp lực vô hình. Đó không chỉ là áp lực từ việc ôn tập, thi thử, điểm số, mà các em còn phải gánh gồng trên vai kỳ vọng của gia đình, cha mẹ về tương lai. Nếu không biết cách để cân bằng thì sẽ khiến các em mất phương hướng, động lực để ôn thi.
Áp lực lớn từ những kỳ vọng
Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, mặc dù theo sát khung chương trình ôn tại trường, dành nhiều thời gian tự ôn luyện tại nhà nhưng nhiều học sinh khối 12 vẫn cho rằng bản thân chưa cảm thấy tự tin, thậm chí có phần áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Một học sinh lớp 12 của Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) chia sẻ rằng: “Không riêng bản thân em mà hầu hết học sinh lớp 12 dù có tự tin đến mấy, cũng có đôi lúc phải đối diện với một số khủng hoảng, bất an bởi áp lực từ gia đình, xã hội; sợ không đủ thời gian để ôn thi, sợ thất bại. Có lúc cảm giác mình bị mất phương hướng, không biết phải bắt đầu từ đâu, cảm thấy lúng túng khi đối mặt với những câu hỏi khó; mang tâm lý học tài thi phận (sợ rằng bản thân có ôn kỹ cũng không đạt kết quả như mong muốn vì kém may mắn)…”.
Theo xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh hiện nay, việc con không đậu đại học được xem là một thất bại to lớn. Do đó, trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, phụ huynh luôn kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả cao, trúng tuyển vào trường đại học mình mong muốn, mà có khi chẳng mảy may quan tâm đến suy nghĩ, ước mơ của con em mình. Và chính việc đặt kỳ vọng quá lớn vào con lại làm nảy sinh tiêu cực cho các em như lo lắng, bất an, mất tự tin, khó khăn trong việc tập trung ôn luyện.
Theo các chuyên gia, việc học tập không phải lúc nào cũng gắn liền với thuận lợi, đạt kết quả cao như bản thân, gia đình đã đề ra, nên thay vì chỉ trích, tạo áp lực thì phụ huynh nên gần gũi, quan tâm, động viên con em mình trong những giai đoạn “đặc biệt” như lúc này. Nên sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng, đầy yêu thương để giúp con thêm tự tin, an tâm ôn tập. Phụ huynh hãy là người bạn đồng hành khuyến khích con theo đuổi đam mê, cùng con xây dựng kế hoạch ôn thi một cách khoa học để tránh bị “quá tải”. Phụ huynh cũng không nên so sánh con mình với con người khác, mà hãy dạy con các kỹ năng quản lý cảm xúc, buông bỏ suy nghĩ tiêu cực, hạn chế sử dụng Internet vô tội vạ hay đọc quá nhiều thông tin về thi cử, tỷ lệ chọi… để tránh những áp lực không đáng có.
Học sinh khối 12 Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) bước vào giai đoạn ôn thi nước rút. Ảnh: Đ.K.C
Chú trọng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng
Có lẽ ai cũng đã từng một lần trong đời phải đối diện với áp lực ôn thi cuối cấp và nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngưỡng cửa để bước đến trưởng thành. Tuy nhiên, nếu học sinh lớp 12 không biết cách cân bằng, điều chỉnh thì thời gian dài có thể ảnh hưởng đến kết quả ôn tập, sức khỏe. Đã có không ít trường hợp học sinh bị ngất xỉu trong lúc ôn thi, hoặc gần đến ngày thi thì đổ bệnh vì không chú trọng đến dinh dưỡng, sức khỏe và thường xuyên để bản thân bị stress.
Chính vì vậy, để giảm thiểu áp lực tâm lý cho học sinh, trong giai đoạn ôn thi nước rút này, phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng việc động viên, chia sẻ khó khăn mà con em mình đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện. Qua đó, sớm nhận ra những vấn đề tâm lý đang tồn tại để có biện pháp tác động, can thiệp một cách kịp thời. Riêng phụ huynh hãy là những hậu phương vững chắc để các em tiến về phía trước, thay vì thúc giục, đặt kỳ vọng cao và đòi hỏi quá sức… trong khi năng lực con em mình có giới hạn.
“Năm nay con gái út của tôi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Rút kinh nghiệm từ lần thi trước của con trai lớn, tôi không “can thiệp sâu” vào việc ôn luyện của con hay tạo áp lực trong chọn trường, chọn nghề, mà dồn sức quan tâm, chăm sóc con từng bữa ăn giấc ngủ, chú ý chế độ dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn để giúp con có sức khỏe tốt, tập trung ôn tập. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khuyến khích con vận động thể thao cũng như khuyên con sắp xếp cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi để bản thân luôn trong trạng thái tràn đầy năng lượng. Những động thái phù hợp này không chỉ giúp con, mà còn cả gia đình tôi không thấy áp lực khi thời gian thi sắp cận kề”, chị Hà Thúy Ngọc (Phường 8, TP. Bạc Liêu) chia sẻ.
Áp lực thi cử luôn là vấn đề muôn thuở trong xã hội hiện đại khi mà các kỳ thi được coi là cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, cũng như thước đo đánh giá trình độ học sinh. Thế nhưng, chúng ta không nên vì những áp lực ấy mà biến những ngày tháng tươi đẹp của học trò thành “cơn ác mộng”, mà hãy cùng nhau cởi trói những áp lực, giúp học sinh lớp 12 thoải mái, tự tin hơn để chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và chinh phục cả tương lai.
Kim Trúc