Môn Toán: Dài, mới và khó
Cô Bùi Thị Oanh nhận xét đề tham khảo môn toán có 70% nội dung kiến thức lớp 12 và 30% kiến thức lớp 11 (trước đây kiến thức lớp 11 chiếm 10%). Đối với HS, đây là đề thi dài, mới và khó. Mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 6,5 điểm, nhưng chỉ có phần 1 trắc nghiệm 3 điểm là thuận lợi với HS. Còn để làm được 6-7 điểm, HS cần thực sự hiểu đề, đọc kỹ giả thiết cho, rất vững kiến thức, thông thạo công thức, ứng dụng toán học vào thực tế mới làm được.
Môn Văn: Khó có nhiều điểm cao
Cô Nguyễn Thị Tâm cho rằng đề tham khảo có cấu trúc quen thuộc với hai phần chính: đọc hiểu và làm văn, tỷ lệ điểm 4/6 (thay vì 3/7 như trước đây). Đề thi lựa chọn ngữ liệu không quá khó, nhưng vẫn đảm bảo tính mới mẻ. Ở phần làm văn, câu hỏi nghị luận văn học đã có sự thay đổi: phân tích một ý nhỏ của nội dung, điều này đã giảm rất nhiều áp lực tâm lý cho thí sinh. Tuy nhiên, HS cần nắm rõ đặc điểm của thể loại, yêu cầu khả năng đọc – hiểu thể loại tốt hơn, nên không dễ viết.
Môn tiếng Anh: Có tính ứng dụng cao
Cô Nguyễn Liên Hương nhận định: Đề tham khảo đã không còn kiểm tra kiến thức ngữ pháp, từ vựng của HS qua những câu hỏi riêng biệt mà chuyển thành các dạng bài điền từ để hoàn thành đoạn văn. Điều này giúp HS hiểu được tính ứng dụng của ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh trong những ngữ cảnh cụ thể. Đề thi cũng bổ sung những dạng bài mới như sắp xếp câu để hoàn thành đoạn hội thoại, đoạn văn, bức thư, giúp kiểm tra và đánh giá tư duy bậc cao và khả năng ứng dụng ngôn ngữ của HS chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra việc học thuộc lòng. Đề thi mới đã có tính ứng dụng cao hơn và yêu cầu kiến thức với HS cũng cao hơn, phù hợp phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH, CĐ.
Những môn thi mới: Tính phân hóa cao
Kinh tế – pháp luật, tin học là những môn thi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhận xét về cách ra đề tham khảo môn tin học, thầy Phạm Đức Vượng cho rằng nội dung kiến thức trong đề thi bao quát nhiều lĩnh vực trong môn tin học như: AI, mạng máy tính, HTML/CSS, lập trình, cơ sở dữ liệu, đạo đức công nghệ thông tin. Có sự kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và ứng dụng thực tế.
Theo thầy Vượng, đề thi có độ khó đa dạng, từ những câu hỏi cơ bản đến những câu hỏi đòi hỏi tư duy phân tích, tổng hợp. Một số câu hỏi yêu cầu HS phải có kiến thức chuyên sâu và khả năng vận dụng tốt. Đề thi cũng có tính phân hóa cao.
Với môn giáo dục kinh tế – pháp luật, thầy Vũ Huy Nghĩa cho rằng tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề tham khảo chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi; 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng mức độ phân loại cao, khá khó cho HS chọn môn thi để xét tốt nghiệp; phù hợp cho các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả tuyển sinh vào trường. Đề thi tham khảo xuất hiện những câu hỏi vận dụng, HS cần phân tích tình huống, kết hợp với những kiến thức đã học để xử lý. Bên cạnh đó, có những câu hỏi cần liên hệ của nhiều phần hoặc vận dụng kiến thức thực tế để trả lời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-tham-khao-thi-tot-nghiep-thpt-2025-khong-de-dat-diem-cao-185241020192210985.htm