Về phía đầu cầu TP Hà Nội, dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
344 người chết và mất tích
Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường. Cường độ bão tăng rất nhanh, duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.
Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, TP bao gồm cả Hà Nội), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4 – 6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700mm).
Do mưa lớn, khu vực Bắc Bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng, trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Trà Lý). Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây.
Dù đã có sự chỉ đạo tập trung và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành cùng nỗ lực, cố gắng rất lớn của Nhân dân, tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề.
Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Trong đó, đáng tiếc nhất là bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà ở bị ngập. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hậu quả của cơn bão là hết sức nặng nề, số người chết nhiều, đến nay vẫn còn nhiều người chưa tìm thấy; sang chấn về tâm lý của người dân rất lớn. Hiện, nhiều người dân vẫn chưa thể trở lại cuộc sống bình thường…
Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương vẫn đang tích cực triển khai các giải pháp để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Ở đó, tinh thần tự lực tự cường của Nhân dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy rõ nét…
Ngày 17/9, Thường trực Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Hiện, nghị quyết đang được thực hiện hiệu quả.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, mỗi người cố gắng làm việc bằng hai bằng ba, để hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng bão lũ sớm ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề. Kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương chủ động huy động nguồn lực tại chỗ và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; trường hợp vượt quá khả năng, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Từ công tác ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc tình hình, tỉnh táo để chủ động tham mưu, đề xuất Thường trực Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhanh nhất các vấn đề về thể chế, chính sách để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người dân, không để chậm trễ.
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia 350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí gần 433 tỷ đồng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-chinh-phu-khong-de-cham-tre-ho-tro-dong-bao-anh-huong-bao-lu.html