Hiện có 335 dự án FDI có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD
Nhằm ngăn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế, tháng 10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty này.
Các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế. Các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu.
“Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam”, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội phát biểu.
Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế và giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Nhưng Thuế tối thiểu toàn cầu cũng đặt ra thách thức mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời với việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì Việt Nam cần bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới.
“Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tối đa các tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, và cần thay đổi đối với Chế độ ưu đãi đối với Thuế doanh nghiệp hiện tại nhằm duy trì năng lực cạnh tranh đối với duy trì thu hút đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra vào thời gian đầu”, ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn quốc tại Việt Nam nêu ý kiến.
Từ khi có thông tin về thuế tối thiểu toàn cầu, dòng đầu tư nước ngoài có vẻ chậm lại vì chờ đợi xem các nước sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thế nào, có chính sách gì khác bù đắp hay không?
Tuy Thuế tối thiểu toàn cầu không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng, nhưng nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay có khoảng 335 dự án FDI có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…).
Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn
Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, mà các quốc gia đang có đầu tư vào Việt Nam áp dụng thì công ty mẹ ở quốc gia đó sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 khoảng hơn 14.600 tỷ đồng.
Trong đó, nếu Việt Nam không giành quyền thu thuế, thì:Hàn Quốc có 18 Tập đoàn MNE đầu tư tại Việt Nam, với số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 hơn 10.700 tỷ đồng. Nhật Bản có 36 Tập đoàn MNE đầu tư tại Việt Nam, với số thuế chênh lệch phải nộp ở Nhật Bản năm 2024 hơn 250 tỷ đồng.
Một số nước khác có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam (Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Hồng Kông, Hà Lan, Malaysia, British Virgin Islands, Vương quốc Anh) có 50 Tập đoàn MNE, với số thuế chênh lệch phải nộp ở nước đầu tư hơn 3.560 tỷ đồng.
Vì vậy Việt Nam cần giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác cần áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhưng để bảo đảm khả năng cạnh tranh, để ứng phó với việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước, Bộ Tài chính cho rằng và cần quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Như thế Việt Nam vừa mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế. Đồng thời đạt được mục đích giữ các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong trường hợp nếu giữ nguyên quy định hiện hành, không áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thì những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh thu hút FDI và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.
Theo Bộ Tài chính, nếu Việt Nam áp dụng quy định về Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn thì ngân sách sẽ tăng thu do thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu.
Và để không mất đi lợi thế cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam sẽ phải xây dựng những chính sách đầu từ hấp dẫn, bền vững hơn không dựa trên thuế như: thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, nguồn lao động chất lượng cao…
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ đã thống nhất sẽ trình Quốc hội xây dựng 2 Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Thứ nhất là Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng.
Nghị quyết thứ hai là về chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế. Dự thảo Nghị quyết này giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì xây dựng.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua 2 nghị quyết này theo quy trình một kỳ họp (tháng 10 năm 2023).
Các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu vẫn áp dụng.
Hà Linh