Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người. Qua đó, nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 38 ca sốt xuất huyết, 4.220 ca tiêu chảy, 25.790 ca mắc cúm, 20 ca mắc bệnh quai bị, 475 ca mắc bệnh thủy đậu, 57 ca chân tay miệng…
Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn hướng dẫn người dân diệt loăng quăng, bọ gậy tại cơ sở.
Mới đây, 3 bệnh nhân trong một gia đình ở tổ dân phố Xuân Tiến, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn trong tình trạng sốt, đau đầu. Kết quả test nhanh cho thấy cả 3 bệnh nhân đều dương tính với sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, chỉ trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, thị xã Nghi Sơn đã liên tiếp ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết nội địa tại nhiều phường, xã trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế đã tăng cường giám sát phát hiện kịp thời ca mắc và nghi mắc. Trung tâm y tế đã tiến hành điều tra, xác định trong 14 ngày qua, các bệnh nhân không đi khỏi địa phương. Đồng thời, phát hiện có bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực bệnh nhân sinh sống.
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Với mục tiêu không để bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, khoa đã thực hiện chế độ thường trực chống dịch, định kỳ báo cáo hàng ngày với Sở Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tình hình dịch tại địa phương theo quy định. Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch. Triển khai thực hiện giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên. Triển khai các biện pháp đáp ứng không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động. Phối hợp với khoa xét nghiệm, chỉ định lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và gửi mẫu về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thực hiện giải trình tự gen phát hiện sớm biến thể của biến chủng Omicron lưu hành tại Thanh Hóa…
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện/thị xã/thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt I năm 2023. Tính đến 30-6-2023, 100% các xã nguy cơ đã tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết ở quy mô thôn, xóm với sự tham gia của y tế, chính quyền địa phương. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Bài và ảnh: Tô Hà