Thiên tai không ai mong muốn
Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp, ngành xác định là trọng tâm hàng đầu trong mùa mưa bão. Nhất là những năm gần đây, tình hình thiên tai của cả nước nói chung, Tuyên Quang nói riêng không tuân theo quy luật, diễn biến phức tạp và khó đoán định hơn, khiến công tác phòng tránh gặp nhiều khó khăn, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, vào hồi 9 giờ ngày 24-5-2022, do ảnh hưởng của mưa to, một vụ sạt lở đất xảy ra tại Km 63, Quốc lộ 2 đoạn từ Tuyên Quang đi Hà Giang, vùi lấp ngôi nhà của gia đình anh Lâm Đình Hiệp (37 tuổi), thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm (Hàm Yên) khiến anh Hiệp thiệt mạng.
Vào mùa lũ, mực nước sông Lô đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang thường lên rất nhanh, đã gây ảnh hưởng cho các địa phương phía hạ du.
Hay trước đó, hồi đầu tháng 7-2020, các khu vực trong tỉnh có mưa to kèm theo dông, có nơi mưa rất to gây lũ lớn trên sông Lô, đã làm 10 lồng cá đặc sản của Hợp tác xã Hoàn Tùng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Tại huyện Na Hang, do ảnh hưởng của mưa to làm lũ ở đầu nguồn đột ngột đổ về khiến cho 19 hộ nuôi cá lồng ở các xã Đà Vị, Yên Hoa, Khau Tinh bị mất trắng, thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh thời tiết có nhiều diễn biến bất thường hiện tượng mưa lớn kèm gió lốc, sạt lở đất, ngập lụt, rét đậm, rét hại xảy ra gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã làm 5 người chết; 988 ngôi nhà bị đổ sập, sạt lở, tốc mái, trên 3.288 ha lúa và hoa màu ảnh hưởng, 222 ha cây trồng hàng năm và cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại; 84 con gia súc bị chết, 49 ha thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại, trên 33 km đường giao thông Quốc lộ bị đất taluy sạt lở, 795 m kè bờ sông, suối bị hư hỏng, sạt lở; 748 m kênh mương bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 418 tỷ đồng.
Đó là con số không hề nhỏ và là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tàn phá, tính khốc liệt của thiên tai. Sau thiên tai, việc khắc phục hậu quả luôn rất vất vả và tốn kém. Có những thiệt hại phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được, thậm chí, có những mất mát không bao giờ có thể bù đắp được.
Không được lơ là chủ quan
Hiện nay đang bước vào thời gian cao điểm của mùa mưa bão, cơ quan Khí tượng Thủy văn tỉnh dự báo khả năng có từ 2 – 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết Tuyên Quang, tập trung từ tháng 8-10. Vì vậy, việc chủ động triển khai các phương án phòng tránh, kịch bản ứng phó hiệu quả là điều cần thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Bởi, trong công tác phòng tránh thiên tai mọi sự chủ động và cẩn trọng không bao giờ là thừa.
Ban Chỉ đạo Diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn huyện Hàm Yên tổ chức diễn tập ứng phó bão,
lụt và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chánh Văn Phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để tập trung chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Để không bị động, bất ngờ trước thiên tai, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.