Tại tọa đàm: “Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?” do Báo Giao thông tổ chức sáng 26/9, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch – Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 153 tuyến buýt (11 đơn vị vận tải tham gia với hơn 2.100 phương tiện) đang khai thác, vận hành tiếp cận đến toàn bộ các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu đô thị và 8 tỉnh thành lân cận.
Từ năm 2021 – 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%.
“Tuy nhiên ước tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân.
Tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến, song vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng đặt ra”, ông Tiến nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó thái độ phục vụ của nhân viên bán vé là một yếu tố có tác động trực tiếp đến lựa chọn của hành khách.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, bản thân ông cũng là một người thường xuyên sử dụng xe buýt. Ông nhận thấy lái xe và nhân viên trên xe ảnh hưởng khá lớn đến sự lựa chọn của người sử dụng phương tiện công cộng.
Bằng chứng là trên fanpage của xe buýt Hà Nội bên cạnh những cán bộ, nhân viên được hành khách đánh giá thái độ phục vụ tốt thì vẫn có không ít trường hợp hành khách phàn nàn về lỗi thái độ.
Hay như đối với nguyên tắc lên cửa trước – xuống cửa sau, theo quan sát của ông Bình, nhiều lái xe khá tùy tiện lúc mở cửa trước, lúc mở cửa sau, chạy quá bến một đoạn mới dừng mở cửa.
Ngoài ra, theo ông Bình, xe buýt cũng như đường sắt đô thị có nhiều điểm thuận lợi như an toàn, không chịu nắng gió, riêng đường sắt đô thị còn là đúng giờ.
Tuy nhiên, các phương tiện công cộng có chung nhược điểm là hành khách phải đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện khác ở hai đầu chuyến đi nên sẽ cộng thêm thời gian lữ hành.
Ông Bình cho biết, hiện nay TP Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, trợ giá khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhưng việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại. Hiện nay, xe buýt đang hòa chung với tất cả các phương tiện khác nên khó rút ngắn thời gian đi lại.
Chuyên gia Phan Lê Bình cho rằng, chỉ có thể rút ngắn được thời gian đi lại bằng xe buýt nếu dành làn đường riêng cho phương tiện này như các tuyến BRT.
“Tôi nhiều lần đề xuất cần phải mở rộng thêm đường dành riêng cho xe buýt. Nhiều người cho rằng điều đó rất khó, mặt đường phải có 4-5 làn xe mới dành riêng làn cho xe buýt được.
Nhưng theo tôi dù có 10 làn xe mà chúng ta không dành riêng làn cho xe buýt thì vẫn tắc như thường. Đơn cử như ở khu vực nút giao đầu Trần Duy Hưng, dù đường rất rộng nhưng vẫn tắc”, ông Bình nói thêm.
Một giải pháp khác cũng được ông Bình đề cập đến là làn đường được mở rộng thêm ở nhiều tuyến đường sẽ không cho xe máy, ô tô đi vào mà để dành cho các phương tiện công cộng.
Bổ sung thêm, ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, để vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện) thu hút hành khách cần tập trung vào các yếu tố.
Thứ nhất, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đang ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/h. Tuy nhiên, tới đây, cần tiếp tục giảm mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân.
Thứ hai, nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên trên xe đối với hành khách. Thứ ba, nâng cao chất lượng phương tiện. Và cuối cùng là chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ khách của vận tải hành khách công cộng, đi đôi với chất lượng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/khong-danh-lan-rieng-cho-xe-buyt-tai-ha-noi-duong-rong-10-lan-van-tac-2326056.html