Chật vật đi lại giờ cao điểm
Nhiều ngày qua, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên trục đường Lê Văn Lương hướng đi Tố Hữu, ngay từ thời điểm 16h chiều, người và xe đã ken kín lòng đường, thậm chí cả vỉa hè.
Khoảng cách từ đoạn cầu vượt Lê Văn Lương tới hầm chui Lê Văn Lương chưa đến 2km nhưng nhiều người phải mất tới 20 phút di chuyển. Để lưu thông qua đây, các phương tiện phải nhích từng chút một.
Đoạn ngã tư Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu sau tổ chức lại giao thông đã giúp thông thoáng hơn, song lại dồn ùn tắc lên đến tận ngã tư Vạn Phúc – Tố Hữu do đơn vị chức năng mở thêm 2 điểm quay đầu cho người dân di chuyển.
Quan sát cho thấy, một số vị trí ùn tắc nghiêm trọng nhất trên tuyến Tố Hữu – Lê Văn Lương như: Đầu cầu vượt Lê Văn Lương – Láng; nút giao Hoàng Minh Giám – Lê Văn Lương; nút Trung Văn – Tố Hữu; Vạn Phúc – Tố Hữu…
Chị Vũ Thị Thu Hương (Hà Đông, Hà Nội) hằng ngày di chuyển qua đây chia sẻ: “Để thoát ùn tắc chúng tôi thường phải lưu thông vào phần đường của khu đô thị gần đó rồi rẽ lên vỉa hè”.
Tương tự, trên đường Đê La Thành có mặt cắt nhỏ, chỉ khoảng 7m cho lưu thông 2 chiều, giờ cao điểm nơi đây ken đặc người và xe. Người dân qua đây liên tục gặp cảnh ùn tắc kéo dài.
Hay đường Giải Phóng, đoạn từ cầu vượt ngã tư Vọng đến nút giao Đại Cồ Việt – Xã Đàn, không ngày nào không xảy ra tắc giờ cao điểm.
Một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm khác như: Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi – Trường Chinh – Đại La – Minh Khai, Kim Mã… cũng thường xuyên ùn tắc, việc đi lại của người dân rất khó khăn.
Nhiều năm nay, chị Trần Thu An (Hoàng Mai, Hà Nội) thường chọn trở về nhà sau giờ cao điểm do ùn tắc triền miên. “Tôi không dám về sớm, đợi sau 19h mới từ cơ quan về nhà”, chị An bày tỏ.
Cần tối ưu hóa tổ chức giao thông
Thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, trong đó tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai; cải tạo, mở rộng các tuyến đường xuyên tâm và nút giao trọng điểm…
Một trong những giải pháp kéo giảm ùn tắc được ưu tiên là giải tỏa các “điểm đen”, nhất là tại các nút giao được tổ chức lại. Thế nhưng, ùn tắc giờ cao điểm vẫn phức tạp.
Theo thông tin mới nhất từ Sở GTVT Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố mới xử lý được 8/33 “điểm đen” ùn tắc. Trước đó, cả năm 2023, thành phố giải quyết được 15/37 “điểm đen” nhưng lại phát sinh thêm 11 điểm mới.
Nguyên nhân được Sở GTVT TP Hà Nội chỉ ra ra là do gia tăng nhanh về số lượng phương tiện, trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng. So với vài tháng trước đây, hiện có hàng triệu học sinh, sinh viên trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, kèm theo người đưa đón, làm tăng áp lực giao thông.
Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, thời điểm bắt đầu triển khai các cầu vượt nhẹ giai đoạn 2011-2015, số điểm thường xuyên ùn tắc giảm hơn 40%. Tuy nhiên gần đây, ùn tắc xảy ra ở quy mô tương đối lớn, thường xuyên hơn.
Theo bà Thủy, nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất là do nhu cầu đi lại quá lớn, vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Nói về giải pháp, bà Thủy cho rằng, trước mắt có thể thực hiện tối ưu hóa tổ chức giao thông, tổ chức quản lý đỗ xe, ưu tiên cho vận tải công cộng. Về lâu dài, cần rà soát và hợp lý hóa quy hoạch và khi có bản quy hoạch chất lượng thì phải có cơ chế giám sát, thực hiện tốt.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, thời gian tới Hà Nội cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng, giảm thiểu gia tăng phương tiện cá nhân. Có như vậy tình trạng ùn tắc mới có thể được cải thiện.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,2 triệu ô tô, hơn 7,2 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.
Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố chỉ đạt 12-13% (theo quy hoạch, ít nhất phải đạt 20-26%); giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch, phải đạt 3-4%).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-khong-dam-ve-nha-gio-cao-diem-vi-qua-ngan-un-tac-192241014215509088.htm