Sáng 16.1, tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), ông Lê Minh Nghĩa, đã trao quyết định thành lập Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) cho TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Chủ tịch lâm thời FAIP.
Theo TS Thắng, FAIP sẽ là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp hoạt động trong KCN và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến KCN; là đầu mối tin cậy kết nối cung – cầu về đầu tư, tài chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong KCN, với mong muốn hệ thống KCN Việt Nam phát triển hiện đại, xanh.
Tại lễ ra mắt, Chủ tịch lâm thời FAIP cho rằng, hiện đang có “boongke” cản trở sự phát triển hệ thống KCN Việt Nam do thủ tục hành chính, nguồn nhân lực tại các cấp quản lý, sự hạn chế về kinh nghiệm xúc tiến đầu tư.
Theo phản ánh từ doanh nghiệp, một dự án thường phải mất 3 năm để hoàn thành các thủ tục, thậm chí 4 – 5 năm, làm lỡ cơ hội của doanh nghiệp. Các cấp quản lý cần chia sẻ hơn với doanh nghiệp, nhưng phía doanh nghiệp cũng cần củng cố năng lực. Vì cũng có dự án đã nhận được đất nhưng không kêu gọi được doanh nghiệp, đối tác.
Cần thêm các chính sách tín dụng ưu đãi
Cũng trong sáng nay đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính” do VFCA và FAIP tổ chức.
Ông Lê Minh Nghĩa cho biết, cả nước có 414 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành, với tổng diện tích gần 127.000 ha; hơn 1.000 cụm công nghiệp với tổng diện hơn 31.000 ha.
Đến cuối năm 2022, các KCN trong cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 231 tỉ USD, và 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp trong KCN có đóng góp rất lớn (khoảng 50%) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), hệ thống chính sách tài chính áp dụng cho các KCN Việt Nam hiện nay nhìn chung đã bao gồm 5 nhóm chính sách: chính sách thuế phí, chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách đất đai và các chính sách khác.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, các chính sách chủ yếu mới chỉ bao gồm chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác của địa phương; vai trò của chính sách tín dụng còn tương đối mờ nhạt.
Đồng thời, nhiều vấn đề đặt ra như nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN còn rất hạn chế dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài nên khó thu hút đầu tư.
Tồn tại sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, dẫn đến một số KCN không được hưởng các chính sách ưu đãi; chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong KCN.
Đáng lưu ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40 – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 – 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới. Nhưng nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế xanh nói chung và các KCN sinh thái nói riêng vẫn còn rất hạn chế.
Đến tháng 12.2022, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt hơn 500.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.
Tại hội thảo, các diễn giả, các chuyên gia kinh tế, đại diện ngân hàng cho rằng cần có thêm các chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy tiếp cận vốn cho các KCN sinh thái. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình KCN sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.