Một trường rời khỏi top 100
Tạp chí Times Higher Education (THE) tại Anh ngày 30.4 công bố bảng xếp hạng ĐH tốt nhất châu Á năm 2024. Việt Nam tiếp tục có 6 trường được “gọi tên”, tất cả đều là gương mặt quen thuộc từ những năm trước gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong đó, tất cả đơn vị hoặc giữ nguyên hoặc tụt hạng so với năm trước.
Cụ thể, trong 739 ĐH châu Á, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại TP.HCM dẫn đầu Việt Nam với vị trí 193, giảm 107 bậc so với năm trước. Đây cũng là thứ hạng thấp nhất của trường này kể từ khi xuất hiện, khi 2 năm liền trước đó đều nằm trong top 100, lần lượt xếp thứ 86 (2023) và 73 (2022). Điều tương tự xảy ra với Trường ĐH Duy Tân ở Đà Nẵng, khi tụt xuống nhóm 251-300 từ hạng 106.
ĐH Quốc gia Hà Nội năm trước nằm ở nhóm 351-400, nay cũng tụt xuống vị trí 501-600, đồng hạng với ĐH Bách khoa Hà Nội không thay đổi về thứ hạng. Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM rơi từ hạng 501-600 xuống bậc 601+. Còn ĐH Huế năm trước lần đầu ra mắt ở thứ hạng 601+, đến nay vẫn giữ nguyên vị trí này. Như vậy, chỉ 2 ĐH duy trì được thứ hạng từ năm 2022 là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế.
Ngoài 6 đại diện trên, Trường ĐH Mở TP.HCM trở thành cái tên thứ 7 từ Việt Nam lần đầu lọt vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất châu Á với trạng thái “reporter” (nhóm được báo cáo). Đồng nghĩa, đơn vị này chưa được xếp hạng vì chỉ đạt một số tiêu chí nhất định chứ không đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng nỗ lực để được xếp hạng. Trước đó 2 năm, ĐH Đà Nẵng cũng từng mang trạng thái này, song không thành công vào top.
Trước đó, trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới 2024, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601-800 trong hơn 1.900 ĐH, dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam nhưng đã tụt hạng so với vị trí 401-500 của năm 2023. ĐH Quốc gia Hà Nội từ hạng 1.001-1.200 rơi xuống bậc 1.201-1.500. Còn ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế cùng xếp thứ 1.501+, giữ nguyên thứ hạng.
Thay đổi phương pháp xếp hạng
Năm nay, THE thay đổi phương pháp xếp hạng nhằm ghi nhận sự thay đổi của lĩnh vực giáo dục ĐH trên thế giới. Cụ thể, THE đổi tên 3/5 nhóm tiêu chí xếp hạng đồng thời loại bỏ, thêm mới một số tiêu chí thành phần, nâng tổng số tiêu chí xếp hạng lên 18, thay vì 13 như trước. Riêng với bảng xếp hạng ĐH tốt nhất châu Á, đơn vị này còn điều chỉnh trọng số của vài tiêu chí để phản ánh yếu tố đặc thù của khu vực.
Theo THE, 18 tiêu chí xếp hạng các trường ĐH châu Á thuộc 5 nhóm, gồm chất lượng nghiên cứu (chiếm 30% điểm tổng), môi trường nghiên cứu (28%, thấp hơn 1% so với bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới), giảng dạy (24,5%, thấp hơn 5%), chuyển giao công nghệ (10%, cao hơn 6%) và triển vọng quốc tế (7,5%). Một tiêu chí mới là du học cũng được đưa vào nhưng năm nay chưa tính trọng số.
Nhìn chung, các đại diện từ Việt Nam tuy được tính điểm cao về chất lượng nghiên cứu, song môi trường nghiên cứu lại có số điểm khiêm tốn. Như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân lần lượt được đánh giá 86,6 và 81,3/100 điểm về chất lượng nghiên cứu, nhưng môi trường nghiên cứu chỉ được đạt 20,9 và 17,4 điểm. Trong khi đó, ở các ĐH top 3 châu Á, hai chỉ số này cách nhau không quá 10 điểm.
Các trường cũng có chênh lệch lớn về chất lượng nghiên cứu, thấp nhất là ĐH Huế đạt 17,7 điểm, hay 2 ĐH Quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM được đánh giá lần lượt là 42,6 và 29,2 điểm. Song, các trường ĐH Việt Nam không cách biệt quá nhiều về môi trường nghiên cứu, dao động từ 10,6-19,1 điểm. Điều tương tự diễn ra ở tiêu chí giảng dạy, nằm trong khoảng 14,2 điểm (ĐH Duy Tân) đến 24,4 điểm (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Về chuyển giao công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội bứt phá với 43,4 điểm, cao hơn hẳn các ĐH khác vốn chỉ dao động từ 16,2-26,2 điểm. Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục dẫn đầu về triển vọng quốc tế, ở mức 63,1 điểm. Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Huế cũng là những đơn vị có tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm 1% so với tổng số hàng chục nghìn sinh viên.
Các trường ĐH Việt Nam đứng ở đâu trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất Châu Á?
Năm 2024, THE xếp hạng 739 trường của 31 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á, trong đó có 98 cái tên mới. Ngoài ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh tiếp tục giữ vị trí nhất, nhì trong 5 năm liên tiếp, Trung Quốc có thêm một đại diện lọt vào top 10 là ĐH Chiết Giang. Theo sau đó là 2 trường của Hồng Kông, Singapore và một trường của Nhật Bản. Nhật Bản còn là quốc gia có nhiều đại diện góp mặt nhất với 119 trường.
THE là một trong 3 tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng ĐH từ năm 2004 cùng QS, một năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.