Gần hai năm sau khi cuộc xung đột nổ ra, Ukraine đã vượt qua Afghanistan và Syria, trở thành quốc gia có nhiều bom mìn nhất trên trái đất. Theo ước tính được công bố bởi GLOBSEC, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Slovakia, Ukraine sẽ phải mất 757 năm để khắc phục thiệt hại do bom, mìn gây ra bằng các phương pháp thông thường và các nguồn lực hiện tại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ kinh tế nước này, Yulia Svyrydenko nhận định “nếu không rà phá bom mìn, chúng tôi sẽ không thể khởi động lại hoàn toàn nền kinh tế”. Nữ lãnh đạo 37 tuổi của Ukraine vạch ra mục tiêu hồi phục 80% diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom, đạn để sử dụng cho mục đích kinh tế trong vòng 10 năm tới. Bởi vậy, các công nghệ tiên tiến nhất đóng vai trò không nhỏ, từ hệ thống AI đánh giá tác động cho đến drone dò mìn tự chế.
Kiev cũng đang phối hợp với gã khổng lồ phân tích dữ liệu Palantir của Mỹ, dựa trên hàng chục luồng dữ liệu để phát triển các mô hình máy học phục vụ cho việc rà phá bom mìn.
Quyết định dựa trên dữ liệu và công nghệ
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí cho dự án rà phá bom mìn kéo dài trong nhiều năm tại Ukraine có thể vượt quá 37 tỷ USD. Song, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng tin rằng, đột phá ứng dụng công nghệ rà phá bom mìn tại quốc gia châu Âu có thể làm thay đổi hoàn toàn về tốc độ, hiệu quả cũng như độ an toàn của công tác khắc phục hậu quả tại các vùng chiến sự trên toàn thế giới.
“Tôi đã làm việc ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn trong vòng 30 năm qua và đây là sự kết hợp giữa kinh nghiệm trước đó cùng đam mê về đổi mới và công nghệ”, Paul Heslop, Giám đốc Tổ chức Hành động Bom mìn của Liên hợp quốc cho biết. “Chúng ta sẽ thấy sự thay đổi cơ bản trong cách thực hiện rà phá bom mìn nhân đạo trong ba năm tới tại Ukraine, và nó sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực này trên toàn thế giới”.
Quy trình phát hiện và rà phá bom mìn nhân đạo có rất ít thay đổi kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Tạp chí TIME dẫn lời quan chức Ukraine nói rằng, nước này không có cơ sở dữ liệu thống nhất về địa hình khảo sát hoặc thông tin tổng hợp từ các nhà khai thác thương mại, quốc tế và chính phủ. Svyrydenko thừa nhận các quyết định được tiến hành dựa trên thứ tự ưu tiên và chủ yếu “trên giấy”.
Đến nay, Kiev đang thử nghiệm sử dụng hình ảnh vệ tinh chính xác kết hợp thuật toán AI để xác định diện tích đất có thể giải phóng nhanh nếu không có bằng chứng về bom mìn sót lại. Anton Bets, cố vấn số hoá của Bộ Kinh tế cho hay “chúng tôi muốn có cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để đưa ra quyết định”.
Bộ Kỹ thuật số Ukraine cũng tiết lộ mẫu máy dò mìn không người lái trên không, có hiệu suất gấp 4 lần so với con người. Máy bay không người lái mới sử dụng kết hợp các cảm biến nhiệt, siêu quang và từ kế để phát hiện mìn từ trên cao và truyền thông tin đó tới các đơn vị đặc công đang hoạt động từ một vị trí an toàn.
Tầm quan trọng của dữ liệu chung
Palantir là nhà cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu cho bộ ban ngành của Ukraine, đã xây dựng nền tảng kết hợp dữ liệu chung từ Bộ Giáo dục, Quốc phòng, Nông nghiệp, Năng lượng và Cơ sở hạ tầng, cùng thông tin về dữ liệu điện thoại di động của các nhà mạng.
Công ty Mỹ cho biết nền tảng đã tích hợp 82 bộ dữ liệu, kết nối 6 triệu toà nhà, 60.000 đoạn đường ray và một triệu đoạn đường bộ. Dữ liệu mẫu mà TIME tiếp cận được phân theo bảng màu: đường truyền hiển thị bằng xanh lam cho đến đỏ, bộ lọc hiển thị phần lãnh thổ, vị trí của nhà máy điện hay trường học.
Hình ảnh vệ tinh cho biết khu vực đó có đang được sử dụng, hoặc vừa trải qua vụ nổ nào hay không. Bảng điều khiển thống kê số người tử vong, mối nguy hiểm trong diện nghi ngờ và xác nhận, số lượng toà nhà bị ảnh hưởng và diện tích mét vuông khu vực nguy hiểm.
“Nếu làm theo cách thông thường, chúng tôi có thể mất đến hàng thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, để rà phá bom mìn”, Ishraq Irteza, kỹ sư dự án tại văn phòng Palantir London nói. “Sự kết hợp của hình ảnh thực địa là yếu tố then chốt giúp họ có thể đẩy nhanh tốc độ”.
Nền tảng này sử dụng AIP của Palantir, mô hình ngôn ngữ lớn theo phong cách ChatGPT, cung cấp dữ liệu thời gian thực, tự động đưa ra khuyến nghị tốt nhất cho lãnh đạo các cấp, có khả năng lên lịch yêu cầu rà phá bom mìn và tuỳ chỉnh cảnh báo. Về lý thuyết, điều này giúp chính quyền lựa chọn ưu tiên hiệu quả nhất cả về tác động với con người và kinh tế.
Tuy nhiên, ngoài các lớp dữ liệu, việc rà phá bom mìn thực tế vẫn dựa vào con người và phần cứng trên thực địa. Một phần đáng kể đất nông nghiệp của Ukraine vẫn còn quá nguy hiểm để canh tác. Nhiều nông dân đã tái chế thiết bị nông nghiệp và máy dò kim loại để tự dọn sạch cánh đồng. Một số khác thì thuê nhà thầu dọn đất bằng thiết bị thô sơ mà không có đảm bảo liệu sau đó đất có an toàn để canh tác hay không.
Pete Smith, Giám đốc chương trình Ukraine tại HALO Trust, một NGO quốc tế chuyên rà phá bom mìn với hơn 1.000 nhân viên, cho hay, Ukraine là quốc gia đầu tiên vừa thực hiện công tác rà phá nhân đạo song song với xung đột tiếp diễn. Ông cũng cho biết thu thập dữ liệu được tiến hành ở mọi nơi, từ drone cho đến khảo sát của đối tác.
Theo Bộ Kinh tế, Ukraine hiện có 29 máy rà phá bom mìn và 3.000 chuyên gia. Trong khi, một quan chức LHQ nói rằng sẽ cần tới 20.000 thợ rà phá bom mìn làm việc ở đây để tạo ra sự khác biệt đáng kể vào năm 2025.
UAV tàng hình điều khiển từ Su-57, ‘ác mộng’ mới với phòng không Ukraine
UAV tàng hình được điều khiển từ máy bay chiến đấu có người lái Su-57 có thể sẽ là “ác mộng” mới đối với radar và các tổ hợp phòng không Ukraine, phương Tây.
Nga ra mắt hệ thống radar mới đối phó UAV Ukraine từ khoảng cách 80 km
Các kỹ sư Nga vừa ra mắt hệ thống kiểm soát không lưu (SKVP) mới có khả năng phát hiện “bầy đàn” máy bay không người lái (UAV) từ khoảng cách 80 km.
Công nghệ hồng ngoại giúp Ukraine giành lợi thế chiến thuật trước Nga
Công nghệ hồng ngoại nhìn ban đêm đang giúp các đơn vị máy bay không người lái (UAV) Ukraine có lợi thế đặc biệt trước đối phương khi tác chiến vào ban đêm.