YênBái – Những năm gần đây, trên cả nước, tình trạng bệnh nhân tử vong vì mắc bệnh dại, nguyên nhân do chó mèo cắn có chiều hướng gia tăng. Để hiểu rõ hơn về bệnh dại cũng như cách phòng tránh để không chủ quan, lơ là, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái về vấn đề này.
P.V: Xin
bác sỹ cho biết tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?
Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú: Bệnh dại là bệnh lưu hành trên địa
bàn tỉnh Yên Bái từ nhiều năm nay, hàng năm vẫn xuất hiện các trường hợp bệnh nhân tử
vong do lên cơn dại. Trong 5 năm trở lại đây (2018 – 2022), toàn tỉnh có 5.996 ca phơi
nhiễm dại được tiêm phòng, 5 ca tử vong do bệnh dại (trung bình 1 ca tử
vong/năm) do bị chó cắn và không được điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết
thanh kháng dại.
Năm 2023, giữa tháng 6 có ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại ở thôn
Yên Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên. Bệnh nhân bị chó cắn nhưng chủ quan,
không xử lý rửa vết thương và không đi tiêm phòng. Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục
có các ca tử vong do dại nếu các ca phơi nhiễm không được tiêm phòng vắc xin và
huyết thanh kháng dại đúng lịch và đủ liều.
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
P.V: Bác
sĩ có thể cho biết rõ hơn về bệnh dại, mức độ nguy hiểm của căn bệnh này?
Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp
tính do virus dại lây truyền từ động vật sang người. Người mắc bệnh dại là
do bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn truyền vi rút qua da và niêm mạc tổn
thương. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng
năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong đều do không tiêm vắc xin. Tại Yên Bái, bệnh dại lưu hành ở hầu hết các huyện, thị
xã, thành phố với nguồn truyền bệnh chính là chó.
Bệnh dại đặc biệt nguy hiểm vì khi đã lên cơn dại
thì không có thuốc nào chữa trị được và hầu hết những người tử vong do bệnh
dại đều do không đi tiêm phòng vắc xin. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO), người bị chó, mèo nghi dại cắn cần phải được tiêm vắc xin điều trị dự
phòng bệnh dại. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ lây
truyền bệnh dại từ chó, mèo sang người.
P.V: Thưa bác sỹ, hiện nay có nhiều người
vẫn cho rằng, tiêm vắc xin phòng bệnh dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sỹ giải
thích thế nào về điều này?
Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú: Tiêm vắc xin phòng dại không
gây hại đến sức khỏe bởi vì vắc xin phòng dại được sản xuất và phát triển từ
virus gây bệnh dại đã chết và nó hoàn toàn không có khả năng gây bệnh dại,
không gây mất trí nhớ hoặc các vấn đề về thần kinh như lời đồn.
Tuy nhiên, cũng
giống như cơ chế hoạt động của bất kỳ loại thuốc và vắc
xin phòng bệnh nào, khi vắc xin tiêm vào cơ thể có khả năng xảy ra các phản ứng
nhẹ. Điều này không đáng lo, đây là những dấu hiệu cho biết rằng cơ thể đang
phản ứng lại kích thích của vắc xin, tạo ra kháng thể chống lại hoạt động của
virus gây bệnh dại.
Chính vì tâm lý lo lắng không biết có nên tiêm phòng dại có hại hay không nên nhiều người còn e dè, không đi tiêm. Cũng giống bất kỳ loại thuốc và vắc xin phòng bệnh khác, vắc xin
ngừa bệnh dại có khả năng gây ra các phản ứng sau tiêm và
vấn đề phản ứng nghiêm trọng từ vắc xin bệnh dại là rất hiếm. Một số phản ứng
thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng dại là: đau nhức, sưng hoặc ngứa nơi tiêm
thuốc, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, đau cơ, chóng mặt, nổi mề đay, đau khớp,
sốt.
Chó thả rông tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh dại trong cộng đồng.
P.V: Thưa bác sỹ, khi bị chó, mèo cắn thì cần xử lý như thế nào và chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì để phòng ngừa bệnh dại?
Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú: Khi đã bị chó
cắn, không biết chó đó có bị dại hay không, động thái đầu tiên bắt buộc là phải
rửa vết thương. Nhưng phải rửa đúng cách. Có nghĩa, chúng ta không tác động bàn
tay vào vết thương, chúng ta chỉ dội vết thương, cho xà phòng vào vết thương và
xối rửa sạch thì virus dại sẽ trôi bớt đi và việc này làm càng sớm, càng tốt.
Sau đó, chúng ta phải đến ngay các cơ sở y tế hoặc các điểm tiêm phòng vắc
xin phòng dại gần nhất để được các thầy
thuốc khám, tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời cho từng trường hợp. Chỉ có tiêm
phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại lây truyền sang người, nếu
nuôi chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc
lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra
đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi phát hiện
chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại tuyệt đối không tiếp xúc để hạn chế sự lây nhiễm
vi rút dại sang người đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y
xã/phường để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại
đó.
Tóm lại, bệnh dại hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. Vì thế, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là mà phải thực
hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh dại, chung tay cùng cộng đồng xây dựng
cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!
Bùi Minh (thực hiện)