Ngày 30/9 vừa qua, tại cổng Trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội), có nhóm người phát miễn phí sản phẩm trà mật ong cho học sinh. Sau khi uống, học sinh N.H.H. (lớp 6A, 12 tuổi) có triệu chứng đau bụng buồn nôn, nhà trường đưa đến Trạm Y tế xã và Bệnh viện Ða khoa Thanh Oai.
Cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 12 bệnh nhân có cùng triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn đến từ Trường THCS Bình Minh. Các bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm. Trước tình hình nêu trên, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp thực phẩm; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Trước đó, tại Trường THCS Nguyễn Quý Ðức (Nam Từ Liêm, Hà Nội), 11 học sinh trên đường đi đến trường mua kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo mầu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Khoảng 45 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn.
Theo phản ánh, hiện nay, cùng với những hàng ăn di động, còn xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân bày bán, quảng cáo, phát miễn phí thực phẩm tại cổng trường cho học sinh. Tuy nhiên, việc quản lý cũng như kiểm soát chất lượng đối với các loại thực phẩm này còn gặp nhiều khó khăn.
Khảo sát thực tế tại khu vực chung quanh các cổng trường trên địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp các hàng quán vỉa hè, xe bán hàng rong kinh doanh đồ ăn vặt… Những chiếc xe bán hàng rong đơn giản chỉ là một chiếc xe đạp, hoặc xe đẩy nhỏ cùng với bếp gas mi-ni, chảo dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần, lại trở thành điểm bán hàng được nhiều em học sinh ưa thích.
Ðiểm chung của những thực phẩm này là phần lớn không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các loại tôm viên, cá viên, phô mai chiên, thịt xiên nướng… hay các loại bánh kẹo, bim bim có hình thù rất bắt mắt, mầu sắc sặc sỡ, với giá thành rẻ được các em ưa chuộng.
Theo quan sát, việc chế biến đồ ăn cũng rất đơn giản, được thực hiện ngay trên đường, mà không che chắn, thậm chí nhiều món đồ được chiên đi chiên lại, rất dễ ôi thiu, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng.
Anh Nguyễn Hòa, phụ huynh học sinh tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Trong nhịp sống bận rộn, tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh bận bịu với công việc, khó chuẩn bị đầy đủ bữa sáng cho trẻ, cho nên thường cho con tiền để ăn quà sáng. Có lần, tôi phát hiện cháu không dùng số tiền đó để ăn sáng mà để dành đến giờ ra chơi góp tiền cùng các bạn mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường”.
Chị Mai Lan (quận Hà Ðông, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, xảy ra việc các học sinh bị ngộ độc thực phẩm, sau khi ăn quà vặt ở cổng trường, khiến chị rất lo lắng, bởi con chị cũng thường xuyên ăn các loại thực phẩm này.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư, bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa và dinh dưỡng trẻ em Nguyễn Gia Khánh phân tích, tác hại của các chất bảo quản, phụ gia, hóa chất, phẩm mầu “siêu rẻ” bán tại các hàng rong ở cổng trường không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến đúng quy cách, cho nên dễ gây ngộ độc thực phẩm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Ðặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài, sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…
UBND thành phố đã có Kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, ATTP trong và chung quanh cổng trường học; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về ATTP; kiểm soát ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.
Ðối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố có tổ chức bếp ăn tập thể và căng-tin; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các cơ sở kinh doanh tạp hóa; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thực phẩm cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Các cơ quan chức năng cần xử lý các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, công khai tên cơ sở vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng…
UBND thành phố yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và chung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn…
Cùng với việc thực hiện, triển khai kế hoạch của UBND thành phố, để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước cổng trường, dư luận cho rằng cần có sự vào cuộc của các lực lượng với những giải pháp đồng bộ.
Trước hết, các cấp chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý địa bàn; thường xuyên kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, nhất là các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP tại khu vực cổng trường học.
Song song với đó, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của học sinh và con em mình.
Ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác truyền thông học đường với các hình thức phong phú, sinh động nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường.
Nguồn: https://nhandan.vn/khong-chu-quan-trong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-truong-hoc-post836574.html