TP – Hôm qua, 10/8, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hội toán học Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ trong nước và thu hút nguồn nhân lực tài năng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển Đất nước.
Tọa đàm này nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kì thi Olympic Toán học quốc tế (IMO, 1974 – 2024).
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, 50 năm với 48 lần tham gia IMO, đội tuyển Việt Nam có 289 lượt học sinh tham gia và đã đạt được 69 Huy chương Vàng, 118 Huy chương Bạc, 84 Huy chương Đồng, 3 Bằng khen. Trong số này, có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh giành 2 Huy chương Vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.
Các đại biểu tham gia tọa đàm |
Nhiều người từng giành huy chương tại IMO đã trở thành các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ngoài GS Ngô Bảo Châu, còn có GS Đàm Thanh Sơn, GS Đinh Tiến Cường, GS Ngô Đắc Tuấn…
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người cũng từng giành Huy chương Bạc IMO, có 10 năm làm thuyền trưởng dẫn dắt đội tuyển ra đấu trường quốc tế cho rằng thành quả của Việt Nam khi tham gia IMO là dựa vào hệ thống trường THPT chuyên tại các tỉnh thành. Nếu Việt Nam muốn cạnh tranh top đầu, có thể suy nghĩ, cải tiến thêm việc chọn đội tuyển.
TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng thành tích của đội tuyển phụ thuộc vào việc có lựa chọn được học sinh tốt hay không. Sử dụng nhiều kì thi thì mẫu số sẽ rất chuẩn. Hiện nay chỉ có 1 kì thi để chọn đội tuyển là thi học sinh giỏi quốc gia thì đôi khi có sai số. Do đó làm kĩ hơn khâu tuyển chọn đội tuyển. Công tác bồi dưỡng đội tuyển cần ưu tiên các thành viên trẻ, các cựu thành viên đội tuyển IMO.
Bắt đầu từ các trường ĐH
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng IMO chỉ là 1 con đường bên cạnh nhiều con đường để dẫn dắt một con người trở thành một nhà khoa học. Bản thân ông khẳng định nếu không tham gia IMO, chắc chắn ông không trở thành một nhà Toán học như hiện nay. Theo GS Ngô Bảo Châu, Việt Nam đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và mong muốn làm chủ được những công nghệ này. “Nhưng làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn Toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học? Trong thời đại bùng nổ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, tôi cho rằng chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản”, ông Châu đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ví von rằng muốn cây cao phải vun từ gốc. Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo ĐH, sau ĐH, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, Toán học càng trở nên quan trọng.
Việc thu hút những người giỏi về nước làm việc có thể cần thêm thời gian nhưng việc có thể làm ngay chính là trường ĐH là môi trường tốt nhất để các thầy cô giáo, các nhà khoa học người Việt Nam đang ở nước ngoài có thể về công tác, giảng dạy.
Nguồn: https://tienphong.vn/phat-trien-toan-hoc-tai-viet-nam-khong-chi-xep-hang-imo-post1662718.tpo