Chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hoá cho bà con mà còn là nơi kể lại câu chuyện văn hoá, phát triển du lịch.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
- Thưa ông, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền. Chợ ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc là kênh phân phối các sản phẩm này hiệu quả. Ông đánh giá gì về hiện trạng hệ thống phân phối tại các địa phương khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc là cầu nối tiêu thụ sản phẩm của bà con khu vực này?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đầu tiên phải khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước nhiều năm qua đều rất quan tâm đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đi kèm đó là các chính sách phát triển hệ thống phân phối, trong đó có chợ ở các khu vực này với vai trò thúc đẩy sản xuất và giao lưu hàng hoá 2 chiều giữa đồng bào miền núi và miền xuôi có sự tiến bộ. Chợ còn là nơi giao lưu văn hoá giữa các vùng miền. Đồng thời là điểm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương.
Tuy nhiên, dù đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, song hạ tầng miền núi vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, hạ tầng giao thông hạn chế khiến việc vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương còn nhiều khó khăn.
Các địa phương cũng còn thiếu các kho dự trữ, bảo quản hàng hoá để dự trữ lúc thu hoạch rộ và tung ra thị trường lúc nguồn cung thiếu, khiến nông sản của bà con nhiều lúc rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung, được mùa mất giá; nhiều thời điểm lại không đáp ứng được đủ nhu cầu.
Chợ miền núi là nơi giao thương, kinh doanh các sản phẩm nông sản vùng miền |
- Việc phát triển hệ thống phân phối tại khu vực này dù được quan tâm nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, theo ông nguyên nhân là gì?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đầu tiên là do thói quen, tập quán của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Người dân vẫn có thói quen họp chợ theo phiên chứ không họp thường xuyên. Việc không họp chợ thường xuyên, không có hoạt động mua bán, giao thương thường xuyên khiến cho hoạt động đầu tư, hiện đại hoá chợ khu vực này còn khó khăn.
Bên cạnh đó, dù đã đặc biệt quan tâm đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, song nguồn vốn ngân sách đầu tư vào chợ cũng ít nhiều còn hạn chế. Trong khi đó, việc thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hoá vào khu vực này lại chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều này có nguyên nhân do việc đầu tư chợ không mang lại hiệu quả ngay và hiệu quả ở mức thấp nếu so với các hình thức đầu tư khác, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư.
Thêm nữa, hiện những chính sách của các địa phương cũng chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp, ví dụ như thiếu chính sách ưu đãi về thuế, phí. Để thu hút đầu tư vào chợ thì cần giảm thuế, phí trong một thời gian nhất định để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện chi phí vận chuyển hàng hoá vào chợ miền núi còn cao nên hàng hoá khó có thể cạnh tranh được, nhất là với hàng hoá giá rẻ nhập khẩu từ các thị trường lân cận. Do đó, phải làm thật tốt công tác phòng chống hàng nhái, hàng giả tại khu vực này để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời động viên doanh nghiệp bán hàng ở đây.
Chợ miền núi mang đậm dấu ấn văn hoá vùng miền |
- Theo ông, cần giải pháp gì để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào hệ thống phân phối (chợ, siêu thị) tại các địa phương khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đầu tiên, cần xác định chợ dành cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất quan trọng, không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là bài toán an sinh xã hội khu vực này. Nguồn vốn ngân sách dành cho khu vực này cũng không quá lớn nên không thể nóng vội mà phải làm một cách bài bản. Trong đó, phải làm điểm ở một số khu vực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tìm ra được mô hình hiệu quả nhất áp dụng cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó nhân rộng. Việc xây dựng cơ sở vật chất cần đồng bộ, làm đâu chắc đó, tránh lãng phí.
Hạ tầng thương mại không chỉ giúp cho sản xuất và lưu thông mà còn liên quan đến đầu tư, du lịch thương mại miền núi. Cho nên, để giải quyết bài toán hạ tầng thì phải đa dạng nguồn vốn đầu tư bởi nguồn vốn của doanh nghiệp là rất quan trọng. Muốn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này thì các địa phương phải chú trọng cải cách hành chính. Các chính sách phải mở cửa để đón nhà đầu tư. Phải có cam kết lâu dài về ưu đãi chính sách.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển hạ tầng là quan trọng. Đây là khu vực rất khó khăn cho nên các quy hoạch phải hướng đến chất lượng và lâu dài, tránh việc đầu tư rồi bỏ đi là rất lãng phí. Việc này cần vai trò rất lớn của địa phương.
Ở các địa phương phải có các ban chỉ đạo phát triển chợ, từ quy hoạch, cắm chợ ở đâu. Chợ phải gần dân, hiểu được xu hướng tiêu dùng của dân để đầu tư xây dựng. Ta đã có nguồn hàng dồi dào, rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP chất lượng nhưng đầu ra lại khá bấp bênh. Vậy thì chợ phải giải quyết vấn đề này.
Quan trọng hơn cả, phải gắn chợ với phát triển văn hoá, du lịch địa phương. Chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà phải là nơi kể lại những câu chuyện đặc sắc về văn hoá vùng miền. Làm được điều này sẽ không lo chợ không có người đến, không phát triển được.
Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề logistics, giao nhận hàng hoá để rút ngắn thời gian giao hàng, áp dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, tính tới cuối năm 2023, cả nước có gần 8.320 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%, trong đó bao gồm chợ miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... Để nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng chợ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ. Nghị định gồm 5 Chương, 38 Điều và 2 Phụ lục, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. |
Nguồn: https://congthuong.vn/cho-mien-nui-khong-chi-la-noi-tieu-thu-hang-hoa-374719.html
Bình luận (0)