Thường được chế biến ngay sau những quầy bếp, ngay trước mắt khách hàng, món mì này có giá khởi điểm khoảng 1.000 yên (6,50 USD) và có nhiều hương vị cũng như phiên bản địa phương khác nhau. Có loại nước sốt “shoyu” hoặc “miso” mặn làm từ đậu nành. Có loại cay đỏ với một chút ớt. Đôi khi không có nước súp nào cả ngoài nước sốt để chấm mì.
Sợi mì ramen xoăn nhẹ hơn so với “soba” hoặc “udon” kiều mạch, thường sẫm màu hơn, thẳng hơn và dày hơn.
Thành công toàn cầu
Mì ramen ngày càng phổ biến ở Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác. Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 72% kể từ năm 2000, theo công ty theo dõi doanh số bán hàng NielsenIQ. Trong 52 tuần kết thúc vào ngày 13/4, người Mỹ đã tiêu thu lượng mì ramen trị giá hơn 1,6 tỷ USD.
Công ty nghiên cứu và tư vấn ngành nhà hàng Technomic cho biết, tại các nhà hàng, các phiên bản khác của mì Ramen súp truyền thống đang xuất hiện. Như tại Del Taco, một chuỗi nhà hàng Mexico, gần đây đã giới thiệu món Ramen bò vụn có tên “Birria Ramen”.
Ramen đóng gói, có thể dễ dàng nấu với nước nóng tại nhà được gọi là mì ăn liền; nó được nấu sẵn và sau đó được sấy khô. Câu chuyện về việc ông Momofuku Ando phát minh ra mì ăn liền tại một nhà kho vào năm 1958, khi thực phẩm vẫn còn khan hiếm, đã trở thành huyền thoại ở Nhật Bản. Ông tiếp tục thành lập công ty thực phẩm khổng lồ Nissin Foods.
Tuy nhiên, dù tiện lợi nhưng mì ăn liền không giống như mì ramen được phục vụ ở nhà hàng.
Một số người Nhật thường đến cửa hàng ramen hai hoặc ba lần một tuần. “Có lẽ tôi là một bát ramen biết nói”, ông Frank Striegl, một người Mỹ gốc Philippines lớn lên ở Tokyo, nói khi dẫn hàng chục du khách Mỹ đi qua những con hẻm phía sau quận Shibuya sôi động của Tokyo để đến nơi mà ông gọi là “trải nghiệm ramen tuyệt đỉnh”.
Đám đông được dẫn đến một ô cửa cũ kỹ, đôi khi đi xuống cầu thang hẹp, đến một chiếc bàn thiếu ánh sáng, nơi mì ramen được phục vụ trong những chiếc bát nhỏ, gần bằng kích thước của một cốc latte hoặc khoảng 1/4 bát ramen thông thường. Điều đó để thực khách có thể giữ bụng để thử 6 loại ramen khác nhau, mỗi địa điểm có hai loại trong suốt chuyến tham quan.
Trong khi những người tham gia chuyến tham quan đang thưởng thức món mì của mình, anh Striegl đã truyền đạt ngắn gọn về lịch sử của mì ramen: Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ thời samurai, khi một vị tướng quân thích món mì Trung Quốc, bắt đầu hành trình bản địa hóa mì ramen vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Cô Katie Sell, một sinh viên mới tốt nghiệp, người tham gia chuyến tham quan của anh Striegl, đã gọi mì ramen là một loại đồ ăn dễ chịu, đặc biệt là vào mùa đông. “Hãy rủ một nhóm bạn đi ăn mì ramen và thưởng thức nó”, cô Katie Sell nói.
Anh Kavi Patel, một kỹ sư đến từ New Jersey, Mỹ, cho biết, anh rất vui vì đã đưa món mì ramen khiêm tốn vào chuyến tham quan Nhật Bản, cùng với các điểm tham quan lâu đời hơn như cố đô Kyoto và công viên hươu ở Nara.
Điều chỉnh để thay đổi
Theo một nghiên cứu của Tokyo Shoko Research, mặc dù mì ramen chưa bao giờ phổ biến hơn ở Nhật Bản, nhưng các địa điểm bán mì ramen đang gặp khó khăn vì đại dịch, đồng Yên Nhật suy yếu cũng như chi phí nhập khẩu lúa mì và năng lượng cao hơn.
Một dịch vụ được hưởng lợi từ đại dịch là dịch vụ giao mì ramen đông lạnh được chế biến chuyên nghiệp tại nhà. Takumen.com tự hào có khoảng 500.000 người đăng ký ở Nhật Bản.
Một cơ sở khác ở Tokyo, Gourmet Innovation, đã ký hợp đồng với 250 nhà hàng mì ramen hàng đầu của đất nước để bán các phiên bản đóng gói với súp, mì và lớp phủ (thường bao gồm: giá đỗ, thịt lợn nướng, trứng luộc hoặc trứng sống, rong biển, măng lên men…) của họ, được đun nóng trong nước sôi và phục vụ tại nhà.
Nhà đồng sáng lập và điều hành của Gourmet Innovation Kenichi Nomaguchi, người hy vọng mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, cho biết, mì ramen và phim hoạt hình là những mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Nhật Bản.
Với câu hỏi tại sao là ramen? Ông Nomaguchi cho biết, không giống như mì ống hoặc cà ri, ramen rất khó làm ở nhà. Làm món này đòi hỏi phải nấu hàng giờ đồng hồ với thịt lợn, thịt bò hoặc thịt gà, nhiều loại cá hoặc cá ngừ bào và tảo bẹ “kombu”, một số nơi sử dụng hàu.
Bên cạnh các loại nước dùng và hương vị súp khác nhau, có thể thêm hành, tỏi băm, gừng hoặc dầu mè để tăng thêm hương vị. Lớp phủ trên có thể bao gồm giá đỗ, thịt lợn nướng, trứng luộc hoặc trứng sống, rong biển, măng lên men gọi là “menma”, hành lá xắt nhỏ, bắp cải nấu chín, đậu tuyết hoặc ngô.
Một số người cho rằng, bát ramen sẽ không trọn vẹn nếu thiếu một lát narutomaki, một loại bánh cá trắng có hoa văn xoắn ốc màu hồng. Các loại khác thường bao gồm ramen cà phê và ramen phủ kem hoặc dứa.
Ramen kiểu Jiro, được đặt tên theo một nhà hàng huyền thoại ở Tokyo, có nhiều loại rau củ phủ trên, thịt lợn nướng khổng lồ giống như bít-tết và tỏi nghiền cay nồng thấm trong nước dùng làm từ thịt lợn béo ngậy.
Anh Kobayashi, một cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp của đội Yokohama Bay Stars và từng chơi cho giải đấu nhỏ Cleveland Guardians trước khi chuyển sang kinh doanh mì ramen, cho biết: “Khi tôi bỏ bóng chày, tôi đã chọn ramen làm lối sống của mình”.
Một điểm khác biệt về văn hóa mà anh Kobayashi nhận thấy là người Mỹ có xu hướng bỏ mì và uống hết nước súp, trong khi người Nhật chủ yếu làm ngược lại.
Và hương vị chỉ là một phần tạo nên món ramen ngon. Anh Kobayashi cho biết, phải có nghệ thuật kết nối. Tại các nhà hàng của Kobayashi, đũa được để trong hộp trên kệ nên những vị khách đến ăn lần đầu tiên sẽ hỏi chúng ở đâu. Nhưng đối với khách quen, họ sẽ đi thẳng đến chiếc hộp đó. Khi đó, Kobayashi gọi to “Chào mừng quay trở lại”, khiến khách hàng cảm thấy có sự kết nối, ngay cả khi anh ấy không nhớ gì về họ.