Không cần chờ Nga, Trung Quốc hay BRICS phế ngôi đồng USD, người Mỹ muốn tự tay làm việc đó. Đây có phải là sự chuẩn bị cho CBDC và động thái tái thiết lập hệ thống tiền tệ của Washington hay không?
‘Vũ khí hóa’ đồng USD, không cần chờ Nga hay Trung Quốc, Mỹ đang dẫn đầu cách mạng phi USD hóa? (Nguồn: african.business) |
Chủ tịch Miles Franklin Ltd. Andy Schectman và cũng là chủ sở hữu Công ty Tư vấn tài chính hàng đầu nước Mỹ bình luận, có nhiều phe phái ở Mỹ sẽ ủng hộ một động thái toàn cầu, nhằm phá giá đồng USD và truất ngôi đồng tiền này – với tư cách là “vua” của các loại tiền tệ dự trữ trên thế giới.
Schectman giải thích, một trong những lý do chính trong các nỗ lực cố ý làm suy yếu đồng USD là tạo ra một môi trường phát triển thuận lợi để cho ra đời một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và một hệ thống tiền tệ mới.
“Vũ khí hóa đồng USD” bằng cách này
Trên thực tế, xu hướng phi USD hóa, rời xa đồng USD đang tăng nhanh và thực sự đã vượt xa nỗ lực của các thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) – nhằm giải quyết các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ và ngừng sử dụng đồng bạc xanh.
Theo phân tích của Schectman, Mỹ đang phải đối mặt với mức nợ không bền vững và chỉ có một số cách để khắc phục điều này – “bằng cách nói tránh, có thể phớt lờ, hoặc cũng có thể tìm một số đối tượng nào đó để đổ lỗi”.
Bằng cách “vũ khí hóa đồng USD”, chính Mỹ chứ không phải ai khác, đang tạo ra một phong trào toàn cầu, mà dẫn đầu là các quốc gia đã lên tiếng tuyên bố “quay lưng” với đồng bạc xanh, bao gồm cả đồng minh truyền thống Saudi Arabia.
“Mỹ đã đẩy chính “bạn thân” Saudi Arabia ra xa hơn, bằng cách yêu cầu họ phải “sống xanh”, đả kích việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bằng cách lạm phát tiền tệ, hay bằng cách làm mất ổn định thị trường trái phiếu…”.
Từ nhiều năm nay, sức mạnh của đồng USD có được phần nhiều dựa vào dầu mỏ, nhưng giờ đây, mối lương duyên trong thuật ngữ “Petrodollars” (USD dầu mỏ) đang đứng trước tương lai đường ai nấy đi. Petrodollars là thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia – thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Đồng USD nhờ đó, từng trở nên cực kỳ quan trọng, bởi không có USD thì sẽ không mua được dầu – một thứ nhiên liệu mà quốc gia nào cũng cần phải có. Khoảng 80% lượng dầu mỏ giao dịch trên thế giới từng được mua bán bằng USD, tỷ lệ này đã ổn định trong suốt vài thập niên qua, nhưng nó đã thay đổi đáng kể, từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Bây giờ, người Trung Đông đã đồng loạt “quay xe”, dần rời khỏi phương Tây. Điều này khiến mối quan hệ năng lượng và đồng USD, ràng buộc giữa Washington-Riyadh lỏng lẻo dần, báo hiệu tương lai xấu với Petrodollars.
“Nếu đồng USD mất đi vị thế như một giải pháp thanh toán cho năng lượng, nhu cầu đối với đồng bạc xanh cũng giảm mạnh”, ông Schectman khẳng định.
Và kết quả là, hiện tại, Washington đã có đủ những “đối thủ cần thiết” – đó là OPEC, là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là Tổng thống Nga Putin… đã tạo nên xu hướng phi USD hóa như hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông Schectman thừa nhận, đây cũng có thể mới là một xu hướng trên lý thuyết, nhưng thực tế thì nó đã xuất hiện trong một số sự kiện không thể chối cãi. Thậm chí, một số cá nhân quyền lực đã từng tuyên bố rõ ràng rằng, họ muốn thấy đồng bạc xanh thất bại trên thị trường toàn cầu.
Chủ tịch của Miles Franklin nhắc đến Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden – Jared Bernstein, người vào năm 2014 đã viết một bài bình luận “gây bão” trên tờ New York Times với tựa đề ‘Truất ngôi Vua của đồng USD”.
Trong đó, ông Bernstein viết rằng, “một nghiên cứu mới tiết lộ, những gì từng là đặc quyền của USD giờ đã trở thành gánh nặng” và để đưa nền kinh tế Mỹ trở lại đúng hướng, “chính phủ nước này cần từ bỏ cam kết duy trì trạng thái tiền tệ dự trữ của đồng USD”.
Vào năm 2018, ông Bernstein cũng từng viết một bài xã luận khác đăng trên tờ The Washington Post, nói rằng, “nếu một hậu quả của kỷ nguyên Trump là đồng USD mất đi phần nào đó khả năng tiền tệ dự trữ, thì tôi sẽ coi đó là một điều tốt”.
“Và khi chính những người nắm quyền ở Nhà Trắng muốn truất ngôi đồng bạc xanh, liệu có cách nào tốt hơn là “vũ khí hóa đồng USD”, ông Schectman đặt vấn đề.
Còn cách nào khác để bạn trả hết nợ? Khi lãi suất tăng, nợ tích lũy đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trên thế giới. Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng, không có cách nào để trả hết.
Và dĩ nhiên, thay vì bị “gục ngã, hay bị đổ lỗi là đã phá hủy lối sống của người Mỹ…”, người ta đã tìm thấy “một nhân vật phản diện” để đổ lên đó mọi vấn đề.
Tại sao đây là bước khởi đầu cho CBDC?
CBDC – “Một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ ra đời như một cách để giới thiệu về một hệ thống tiền tệ mới, đó là một cái kết logic trong lý thuyết này”, chuyên gia Schectman giải thích.
Theo nhận định của nhà sáng lập Miles Franklin, cũng là “một tay” kỳ cựu về tài chính quốc tế, vấn đề của đồng USD hiện nay có thể là ngẫu nhiên, nhưng trong đó rất có thể có một chút “cơ hội” do chính các nhà hoạch định chính sách Mỹ gửi gắm, khi họ còn đang bế tắc với nợ nần và muốn được bắt đầu lại từ đầu.
Trong nhiều thập niên qua, người ta đã khẳng định vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Đó là một nguyên tắc cốt lõi của chính sách kinh tế Mỹ. Xét cho cùng, ai lại không muốn đồng tiền của mình trở thành đồng tiền mà các ngân hàng và chính phủ nước ngoài muốn dự trữ?
Nhưng nghiên cứu mới tiết lộ rằng, những gì từng là một đặc quyền của đồng USD, giờ đây trở thành gánh nặng, cản trở tăng trưởng việc làm, làm tăng thâm hụt ngân sách và thương mại cũng như thổi phồng bong bóng tài chính. Để đưa nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng, chính phủ cần từ bỏ cam kết duy trì trạng thái đồng tiền dự trữ của đồng USD.
Những lý do được Kenneth Austin, một nhà kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, mọi người đều nhận ra rằng, nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, giảm giá trị đồng tiền của họ so với đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu từ Mỹ. Họ mua rất nhiều USD, điều này làm tăng giá trị của đồng bạc xanh so với đồng tiền của họ, do đó làm cho hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ rẻ hơn và ngược lại, hàng xuất khẩu của Mỹ sang các nước đó đắt hơn.
Khi một quốc gia muốn thúc đẩy xuất khẩu của mình bằng cách làm cho chúng rẻ hơn với việc sử dụng quy trình nói trên, ngân hàng trung ương của quốc gia đó sẽ tích lũy tiền tệ từ các quốc gia phát hành dự trữ. Và như vậy, chừng nào đồng USD còn là đồng tiền dự trữ, thâm hụt thương mại của Mỹ có thể trở nên trầm trọng hơn ngay cả khi các thực thể Mỹ không trực tiếp tham gia giao dịch.
Về phía các động lực thúc đẩy “phi USD hoá”, giới phân tích cho rằng, một xu hướng có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế các quốc gia theo một số cách khác nhau. Giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ “cho phép các nhà xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng rủi ro, có thêm nhiều lựa chọn để đầu tư, có được sự chắc chắn lớn hơn về doanh thu”.
Một lợi ích khác đối với các quốc gia khi dịch chuyển khỏi đồng USD trong giao dịch thương mại là “giúp họ đi lên trong chuỗi cung ứng”… Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của các khối kinh tế không có sự tham gia của Mỹ cũng khuyến khích các nền kinh tế này thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ một cách rộng rãi hơn.
Tất nhiên, khi đồng USD không còn là “vua” của các loại tiền tệ, Mỹ sẽ gặp phải những rắc rối khác. Nhưng ở hiện tại, mặc cho sự suy giảm vị thế của đồng bạc xanh, giới phân tích khẳng định, đồng USD sẽ không bị “soán ngôi” trong tương lai gần, không phải do thế lực mạnh của người Mỹ, mà chỉ đơn giản “chưa có bất kỳ sự thay thế khả thi nào ở thời điểm này”. Hệ thống dự trữ quốc tế vẫn là một hệ thống do đồng USD thống trị.