Khoe là quyền cá nhân
Bạn đọc Hoàng Lan nêu quan điểm: “Người ta có thứ để khoe, để cảm thấy hãnh diện thì cứ để cho họ khoe. Ai cũng có một cuộc đời để sống. Ai thích thì cứ khoe. Ai thích soi mói xét nét thì cứ việc. Đó là chuyện cá nhân”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Phan Trường Thịnh cho rằng làm gì trên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người, bởi mạng xã hội trên thế giới bây giờ là một môi trường “mở rộng cửa 24/7, 365 ngày cho tất cả mọi người”.
Mỗi người tham gia chỉ cần làm đúng với quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại nếu như đang sống ở Việt Nam, đặc biệt là phải đúng với quy định của mạng xã hội đó.
Nhiều ý kiến lại cho rằng khoe là nhu cầu được công nhận mà ai cũng có. Và nếu khoe những thành quả do cố gắng, nỗ lực mà có thì còn giúp người khác có động lực.
Bạn đọc Phương Phú Công bình luận: “Khoe cũng tốt, để khiến những người xung quanh biết mà cố gắng nhiều. Như thế xã hội mới phát triển mạnh giàu được!”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng “cái gì nhiều quá cũng không tốt”, đặc biệt là khi “khoe” quá nhiều.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn Lộc để lại bình luận: “Một bộ phim khi xem thì phải có ít nhiều kịch tính. Phim một màu thì khó ai ngồi xem đến hết phim. Bạn muốn khoe hay khoe thế nào thì tùy bạn”.
Bạn đọc Crystal Vo cho rằng khoe nhiều không hay, nhưng cũng có lợi: “Bạn trai/bạn gái thỉnh thoảng đưa hình người yêu lên mạng xã hội khéo léo cũng là cách hay. Để tuyên bố “chủ quyền”, để tránh trường hợp những người hay bắt cá hai tay có thể giấu giếm quen mấy cô một lúc. Nhưng khoe quà thì nên tế nhị và không nên khoe nhiều”.
Trong khi đó, bạn đọc Lê Tiên Sinh một mặt cho rằng quan niệm “khoe cái gì dễ mất cái đó” là không đúng. Người không khoe vẫn mất, chỉ có điều do họ không khoe nên thiên hạ không biết họ có hoặc họ mất thôi. Vì vậy, bạn đọc này cho rằng “cứ khoe thoải mái”.
Mặt khác bạn đọc này lại cho biết: “Trên Facebook mình, ai tối ngày khoe của, khoe hạnh phúc riết mình cũng ngán. Mới đầu còn vô chúc các kiểu. Mà làm riết chán chả buồn nói. Ai không thân lắm thì mình hủy bạn bè. Còn ai thân mà hủy thì kỳ, nên mình bỏ theo dõi thôi hà”.
Đừng khoe của nữa, lo tu tâm dưỡng tính thì mới an vui
Rất nhiều bình luận của bạn đọc cho rằng không nên khoe. Bạn đọc tên Tâm bình luận “đó giờ tui hổng nghe ai nói khoe khoang là tốt hết trơn”.
Cùng quan điểm là “nói không với việc khoe”, bạn đọc tên Hoa đưa ra lý do: “Tôi đồng ý với quan niệm “Càng khoe càng dễ mất” nên hầu như không bao giờ đăng bất cứ thứ gì lên mạng xã hội. Chuyện tốt tôi giấu, chuyện không tốt tôi càng giấu và tự mình giải quyết”.
Bạn đọc tên N.H. phản đối việc khoe hạnh phúc là nhà lầu, xe hơi, bó hoa tặng vợ từ 100 tờ đô la: “Vui lòng định nghĩa “hạnh phúc”. Tôi thắc mắc là hồi trẻ trâu Taylor Swift hay Mark Zuckerberg hay Nữ hoàng Anh khoe hạnh phúc của họ như thế nào nhỉ?”.
Ý kiến của bạn đọc Hồng Hà thì đưa quan điểm “đừng khoe của nữa”: “Trí tuệ, nhân cách mới là thứ cha mẹ để lại cho con. Của cải vật chất không bền, nếu để lại mà con không có tâm, có tầm thì trong thời gian không lâu liệu có còn không.
Đừng khoe của nữa. Xe, nhà, điện thoại chỉ là phương tiện. Có hạnh phúc không mới là điều cần bàn… Không lo tu tâm dưỡng tính thì có của cũng khó mà có an vui hạnh phúc”.
Một bạn đọc cho biết trước đây cũng từng chia sẻ hạnh phúc, suy nghĩ tích cực để lan tỏa năng lượng cuộc sống.
“Nhưng khi đến tuổi lục tuần, mình chợt hiểu chỉ chia sẻ đúng người, cùng gu, hoàn cảnh tương đồng, đặc biệt là điều kiện sinh sống. Bạn không thể sửa đổi, thay đổi gì những người xung quanh, kể cả anh chị em cha mẹ ruột thịt”, bạn đọc này nêu ý kiến.
Bạn đọc Thanh Sơn cho rằng: “Cái gì là khoe thì chẳng ai thích. Chỉ có kể câu chuyện hay, chia sẻ điều tốt đẹp mới nhận được sự quan tâm và mang lại giá trị”.