Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ; Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP; các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.
Nhiều kết quả khả quan
Trình bày báo cáo kết quả Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 – 2022, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết trong giai đoạn 2017 – 2022, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ VHTTDL với Bộ Tư lệnh BĐBP đã được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Các đơn vị của hai cơ quan đã chủ động, tích cực trao đổi thông tin, tham dự các cuộc họp thảo luận, góp ý về những vấn đề liên quan giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP đã tạo chuyển biến tích cực trong bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng sâu, vùng xa
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế đánh giá, hai cơ quan đã thường xuyên cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc như Đề án “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Đề án “Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”…
Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS luôn được hai bên chú trọng và triển khai liên tục. Đồng thời, Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình cho người dân thuộc các DTTS; tổ chức lớp tập huấn cho các tuyên truyền viên, người làm công tác dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng phát huy vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn môi trường, cảnh quan, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và các nghề truyền thống để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững…
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính uỷ BĐBP phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng lực lượng BĐBP tham gia quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao; các ấn phẩm văn hóa xuất, nhập qua biên giới; cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật, truyền bá văn hóa xấu độc vào địa bàn biên giới. Lực lượng BĐBP còn tham gia vào các đoàn công tác liên ngành kiểm tra các hoạt động văn hóa như karaoke, vũ trường, nhà hàng ở khu vực biên giới…
Trong công tác tổ chức sự kiện, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP và các Ban, Bộ, ngành có liên quan và các địa phương luân phiên tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung và giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc. Các sự kiện thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, VĐV tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống, đặc sắc; góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc.
Lĩnh vực du lịch cũng là điểm nhấn trong chương trình phối hợp công tác giữa hai bên. Theo đó, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch thường xuyên được hai bên phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của bà con.
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế báo cáo kết quả Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 – 2022 giữa hai bên
Đánh giá về công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thời gian qua, hai cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và nghiêm túc. Chương trình phối hợp đã tạo nên diện mạo mới về công tác văn hóa, thể thao và gia đình khu vực biên giới.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cũng gửi lời cảm ơn vì sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong thời gian qua. Sự giúp đỡ đó đã tạo hiệu quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa của toàn lực lượng Biên phòng.
Chọn việc, chọn điểm để làm
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động của Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP trong xây dựng chương trình phối hợp hành động giai đoạn 2017 – 2022, nhằm thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Sau 5 năm triển khai chương trình phối hợp công tác, Bộ trưởng đã chỉ ra một vài điểm sáng. Cụ thể từ chương trình có tính chất định hướng, chương trình khung, hai bên đã phối hợp xây dựng được một số đề án có tính căn cơ, bài bản, tập trung vào nội hàm xây dựng, phát triển văn hóa; qua văn hóa và bằng văn hóa đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thân thể cho bà con; phát triển kinh tế thông qua du lịch.
“Một số Đề án tiêu biểu phải kể đến là Đề án “ Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, hay Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030”… Thông qua những Đề án này, chúng ta đã, đang gìn giữ, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của nhiều tộc người trên khắp mọi miền Tổ quốc”, Bộ trưởng nêu rõ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng, Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP đã có sự phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào để đồng bào nắm được, làm theo. Thay vì tuyên truyền theo cách “khô cứng”, hai bên đã nghiên cứu, lồng ghép văn hóa vào các hoạt động tuyên truyền thông qua những buổi biểu diễn nghệ thuật, hệ thống phát thanh, hình ảnh… và đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, hai bên đã có sự phối hợp, tổ chức tốt những ngày hội, lễ hội văn hóa; đưa các sự kiện văn hóa – thể thao đến vùng sâu, vùng xa. Lực lượng BĐBP đã chủ động kết nối với các đoàn nghệ thuật ở địa phương, huy động các đội văn nghệ không chuyên từ bản làng và chú trọng yếu tố văn hóa cơ sở. Cũng từ đây, những điệu khèn, múa sạp, những điệu hát múa của đồng bào đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của du lịch. Các sự kiện thể thao được tổ chức thường xuyên ngoài là dịp để bà con rèn luyện sức khỏe, còn góp phần gắn kết cộng đồng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng theo Bộ trưởng, nhờ việc hai cơ quan tập trung hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng cho đồng bào, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đến được với các bản làng. Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa hiện nay là điểm đến ưa thích của các bạn trẻ và du khách quốc tế. Không những vậy, nhiều bạn trẻ là người DTTS dưới sự định hướng đó đã làm chủ các khu du lịch nằm sâu trong các bản làng; đưa các sản phẩm văn hóa truyền thống vào để gia tăng trải nghiệm cho du khách; biết vận động bà con xung quanh cùng làm du lịch, nâng cao thu nhập, giúp họ vơi đi khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên bên cạnh những gì đã làm được, Bộ trưởng chỉ rõ vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế đến từ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Với những nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng đề nghị phải thẳng thắn nhìn nhận, thể hiện tinh thần cầu thị mà khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý hai bên tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ; chọn việc, chọn điểm để làm; đã xác định được chủ đề thì phải làm có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng đề nghị Bộ VHTTDL, Bộ Tư lệnh BĐBP nghiên cứu, phát triển 44 điểm du lịch cộng đồng tại 44 tỉnh/thành phố khu vực biên giới. Bộ VHTTDL giữ vai trò điều tiết nguồn lực. BĐBP là lực lượng “cầm tay, chỉ việc” cho bà con phát triển mô hình này. Đây sẽ phải là những điển hình trong phát triển du lịch Việt Nam.
Đối với vấn đề nhân lực, Bộ trưởng mong muốn lực lượng BĐBP tăng cường phát hiện nhân tố có năng khiếu, tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để đề xuất cho Bộ VHTTDL cử đi bồi dưỡng, đào tạo; tính đến việc cấp học bổng cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó trong 5 năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng xác định sẽ có nhiều ngày hội, lễ hội diễn ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị trong năm 2024, hai bên tập trung nguồn lực để tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch nhân dịp lễ kỷ niệm của BĐBP. Ngày hội sẽ là dịp biểu dương, phát hiện những nhân tài trong lực lượng BĐBP.
Một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặc biệt chú trọng là giao lưu, tiếp biến văn hoá khu vực biên giới. Bộ trưởng khẳng định giao lưu, tiếp biến văn hoá là quá trình có chọn lọc, không phải cái gì cũng học theo. Mỗi nền văn hoá, mỗi dân tộc, tộc người đều có những giá trị văn hóa khác nhau, không thể hòa lẫn. “Đảng ta đã xác định xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta không được phép đi ngược lại quan điểm ấy, càng không được có tư tưởng, hành động thể hiện sự lai căng về văn hoá. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS khu vực miền núi, biên giới hiểu được và có ý thức bảo vệ những giá trị truyền thống trong văn hoá của dân tộc mình; bảo vệ tiếng nói, chữ viết. Đồng thời, hai bên cần tăng cường phối hợp với Ủy ban dân tộc, các Bộ, ngành liên quan để tìm thêm các giải pháp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới”, Bộ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 – 2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP
Cũng tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 – 2028 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP.
Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin thời gian tới, hai bên sẽ triển khai các hoạt động phối hợp theo chủ đề “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2023 – 2028”.
Theo đó, Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tập trung triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong thực thi các chính sách pháp luật về công tác dân tộc, văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá về văn hóa truyền thống các DTTS Việt Nam góp phần thu hút, phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS.
Tổ chức các ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, tuyên truyền lưu động; các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng cho đồng bào các dân tộc…
Cùng với đó, hai bên sẽ phối hợp xây dựng một số mô hình hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào DTTS như gia đình văn hóa; thôn, bản, buôn văn hóa; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ở vùng đồng bào DTTS; phát triển hệ thống tủ sách, túi sách lưu động, tủ sách pháp luật, thư viện vùng biên giới, hải đảo…
|
ĐÌNH TOÁN; ảnh: NAM NGUYỄN