(ĐCSVN) – Những năm gần đây, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có sự tăng trưởng, phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế – xã hội, trở thành vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các địa phương trong Vùng, Trung ương và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách tiếp đà cho sự phát triển này, góp phần đưa Đông Nam Bộ “cất cánh” bay cao, bay xa.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số cả nước năm 2021). Đây là vùng kinh tế năng động nhất cả nước và có mức tăng trưởng kinh tế cao, thường xuyên duy trì mức đóng góp hơn 30% vào GDP của cả nước.
Vùng có hạt nhân là TP Hồ Chí Minh – trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và lan tỏa lớn của Vùng và cả nước.
Có thể đánh giá, vùng Đông Nam Bộ chính là nơi tập trung nguồn lực lớn nhất và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, gần đây, tốc độ tăng trưởng của Vùng có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là những tháng đầu năm 2024, khi mà mức tăng trưởng kinh tế Vùng thấp hơn mức bình quân cả nước. Cùng với đó, đóng góp của Vùng trong GDP của cả nước đang có xu hướng giảm. Khu vực Đông Nam Bộ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu cơ sở hạ tầng, ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu… Nhìn từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng dư địa, lợi thế của Vùng còn đang rất nhiều nhưng chúng ta chưa khai thác hết. Muốn Vùng phát triển đột phá thì cần phải tái cấu trúc lại, tạo ra những không gian mới, để có dư địa cho vùng tăng trưởng bền vững hơn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới tính liên kết Vùng nhằm tạo hợp lực phát triển trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh, đồng thời khắc phục, bù đắp những hạn chế về nguồn lực phát triển của mỗi địa phương.
Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh có ưu thế về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là đầu mối giao thương quốc tế nhưng lại hạn chế về quỹ đất và hạ tầng để phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư cho người lao động. Hoặc, Bà Rịa – Vũng Tàu có ưu thế về du lịch biển và cảng biển nước sâu nhưng kết nối với các địa phương trong vùng lại hạn chế, vì vấn đề giao thông tắc nghẽn. Nếu các địa phương liên kết được với nhau sẽ góp phần bổ sung các nguồn lực cho nhau, cùng nhau phát triển vì mục tiêu chung…
TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương tạo đột phá về năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. |
Điều này đòi hỏi cần phải tạo ra nhiều hành lang pháp lý, nhiều cơ chế thông thoáng hơn nữa, đặc biệt, các địa phương trong Vùng cần chủ động sáng tạo tìm ra mô hình liên kết hay trong từng lĩnh vực để khai thác thế mạnh và khắc phục hạn chế của từng địa phương trong quá trình phát triển.
Đông Nam Bộ không chỉ cần có cơ chế chung mà còn cần một cơ chế chung đặc thù. Trước mắt, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 áp dụng với TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng với các địa phương khác trong vùng khi triển khai dự án chung.
Tại vùng Đông Nam Bộ, vấn đề then chốt nhất để phát huy hiệu quả của liên kết vùng đó là liên kết về giao thông. Thực hiện tốt liên kết về giao thông sẽ là cú huých thúc đẩy sự phát triển của cả vùng. Liên kết phát triển giao thông không phải chỉ là phát triển mạng lưới giao thông đường bộ mà là phát triển đồng bộ toàn bộ hệ thống giao thông, bao gồm: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không, cảng biển, đặc biệt là phát triển mạng lưới đường cao tốc và đường sắt kết nối các địa phương với nhau.
Hiện nay, Đông Nam Bộ đang triển khai một loạt dự án hạ tầng trọng điểm liên quan đến nhiều địa phương như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai và Bình Dương…
Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, là động lực, thế mạnh để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả Vùng trong thời gian tới.
Một góc Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. |
Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các địa phương trong Vùng, Trung ương và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách tiếp đà cho sự phát triển này, góp phần đưa Đông Nam Bộ “cất cánh” bay cao, bay xa.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24 đã mở ra hướng tháo gỡ những nút thắt, những ràng buộc làm cản trở quá trình liên kết, đồng thời tạo cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển của cả nước này.
Đặc biệt, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, trong tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch Vùng có lộ trình rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả.
Nội dung chủ yếu của Kế hoạch đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị; Phát triển các lĩnh vực xã hội; Quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết vùng, nội vùng…
Cùng với đó, vừa qua, các địa phương trong Vùng đều đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển cụ thể với mục tiêu, nội dung, lộ trình phát triển rõ ràng.
Những quy hoạch chung và riêng này có thể xem là những cơ sở quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn và các nút thắt, khơi thông nguồn lực, để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ. Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ sẽ đem đến những cơ hội mới, những giá trị mới cho vùng trong tương lai, giống như một chiếc lò xo bị nén lại, nay được bung ra và phát triển hết sức mạnh mẽ, giải phóng nguồn lực rất lớn.
Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta đã nâng tầm của quy hoạch lần này; xác định sứ mệnh mới của Vùng cũng như TP Hồ Chí Minh là phải phát triển cao hơn, vượt bậc hơn và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia và khu vực.
|
Trước những vấn đề vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện hiện nay để giải quyết, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật.
Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, AI…).
Có thể nói, với những tư duy mới, tầm nhìn mới như vậy, chúng ta sẽ có những cơ hội mới và những giá trị mới. Đồng thời, tin tưởng, Vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, thật sự đột phá, vượt trội. Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao. Đông Nam Bộ sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/khoi-thong-nguon-luc-de-dong-nam-bo-cat-canh-683008.html