Nhiều cửa biển… kêu cứu
Việc nạo vét luồng lạch, khơi thông các cửa biển là công việc trước nay vẫn được tỉnh Cà Mau hết sức quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau: “Thời gian gầy đây, tình trạng bồi lắng ở một số cửa biển diễn ra nhanh hơn do các biến động của thiên nhiên. Một số cửa biển sau khi nạo vét, khơi thông, chỉ một vài mùa là lại bồi tụ như cũ, thậm chí nhiều hơn”.
Tại cửa biển Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Tình trạng bồi lắng cửa biển gây khó khăn lưu thông, ảnh hưởng tiêu cực các hoạt động sản xuất, giao thương gắn với kinh tế biển thời gian qua là vấn đề mà địa phương luôn trăn trở, đề xuất các cấp, ngành có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ”.
Ðến nay, thị trấn Cái Ðôi Vàm chỉ có một đơn vị chế biến thuỷ sản duy nhất, là chi nhánh của Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Tân Thành.
Theo ông Yên, những tàu ghe công suất lớn ra vào cửa rất khó khăn, phải am hiểu luồng lạch, chờ con nước. Còn một số ghe tàu tỉnh bạn ra vào, thường vướng cạn. Ngư dân vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc lại chịu nhiều rủi ro. Tàu ghe ít chọn về cửa, dẫn đến việc giao thương, mua bán tại đây không còn nhộn nhịp như trước.
Cửa biển Rạch Gốc cũng trong tình trạng khó khăn vì cạn. Ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Khu cảng cá và neo đậu tránh trú bão được quy hoạch với quy mô cảng cá loại II, khả năng đáp ứng được trên 1.000 tàu ghe công suất từ 40-400 CV neo đậu. Tuy nhiên, tàu ghe về cửa có chiều hướng giảm mạnh”.
Thực tế cho thấy, ngoài đội tàu đánh bắt của địa phương, chỉ có một số ít ghe của tỉnh bạn về neo đậu tại khu vực này. Ông Ðảm cho biết thêm: “Ghe tỉnh ngoài ghé đây chủ yếu là gởi đậu để chủ tàu về quê. Còn các mặt hàng thuỷ hải sản giao thương tại cửa Rạch Gốc không đáng là bao, chủ yếu là cá nhỏ, cá tạp”. Chưa kể những khó khăn về hạ tầng, nhất là các trục giao thông đấu nối với cảng Rạch Gốc, chỉ riêng việc cửa biển bồi lắng đã khiến cho không khí hoạt động của nơi đây trầm lắng.
Tình hình ở cửa biển Khánh Hội cũng không khá hơn. Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh, lo lắng: “Cửa biển Khánh Hội có tốc độ bồi tụ rất nhanh. Mà vướng ở cửa biển thì coi như các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cũng trì trệ theo. Khơi thông cửa biển là mong mỏi cấp thiết của bà con ngư dân, cũng là công việc trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của địa phương”.
Theo ghi nhận, cửa Khánh Hội dù chỉ mới nạo vét thời gian chưa lâu, nhưng với những tàu công suất lớn, việc lưu thông cũng vô vàn trở ngại.
Khơi thông luồng lạch cửa biển Khánh Hội là công việc hệ trọng, tiên quyết để xây dựng nơi đây trở thành đô thị biển quan trọng của toàn tỉnh Cà Mau theo quy hoạch phát triển lâu dài.
Tìm phương án lâu dài
Khi trực tiếp khảo sát cửa biển Khánh Hội, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, rất chia sẻ những khó khăn của địa phương, của ngư dân về tình trạng cửa biển bồi lắng. Với nhận định: “Cửa biển mà không có tàu ra vào thì không thể tính toán được bất cứ chuyện gì”, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau chỉ đạo quyết liệt: “Ðề nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan, các địa phương phải phối hợp tính toán ngay phương án xã hội hoá để khoán việc nạo vét, khơi thông luồng lạch theo giai đoạn từ 5-7 năm, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo việc làm ăn của bà con ngư dân ở các cửa biển gặp khó khăn tương tự. Còn khoán bao lâu, cụ thể như thế nào phải tính toán theo tốc độ bồi lắng của từng cửa biển”.
Trong chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, các cửa biển như Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc, Khánh Hội và những cửa biển trọng điểm còn lại của Cà Mau đều phải tính đến phương án dài hơi, phù hợp, hiệu quả, huy động được các nguồn lực xã hội để giải quyết dứt điểm khó khăn cho các địa phương và ngư dân có cửa biển. Chỉ khi khơi thông được điểm nghẽn này, tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển toàn tỉnh mới có điểm tựa, thời cơ để vực dậy phát triển đồng bộ, mạnh mẽ. Công việc này không thể chờ, không thể trì hoãn, mà phải làm ngay, bởi đời sống của bà con ngư dân đang gặp khó từng ngày, từng giờ.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Việc nạo vét, khơi thông các cửa biển sẽ là công việc cấp thiết được ưu tiên. Tuy nhiên, giải pháp phải mang tính hiệu quả bền vững, giải quyết dứt điểm và phù hợp với thực tế từng nơi. Trong thời gian sớm nhất, các cửa biển ở Cà Mau sẽ có phương án nạo vét, khơi thông. Các khâu kỹ thuật, cách thức, phương pháp tổ chức thực hiện sẽ được UBND tỉnh đốc thúc các ngành, lĩnh vực liên quan triển khai khẩn trương. Song song đó là mời gọi, thu hút những doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đủ uy tín, khả năng trong lĩnh vực này để thực hiện”.
Thực tế đã qua cho thấy, việc nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa biển ở Cà Mau đã được triển khai với chủ trương khuyến khích các nguồn lực xã hội hoá nhưng chưa nhận được sự mặn mà của các doanh nghiệp. Một phần nguyên nhân là cơ chế, chính sách, ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này còn một số vướng mắc, chưa hài hoà. Tháo gỡ được vấn đề này, cũng là mở hướng cho các cửa biển của Cà Mau được khơi dòng thông suốt một cách vững bền. Khi đó, những cửa biển trọng điểm của Cà Mau cũng không còn thắc thỏm chuyện bồi lắng, ngân sách Nhà nước cũng sẽ bớt đi gánh nặng. Song song đó, kinh tế biển sẽ có thêm những nguồn lực lớn để tạo cú hích phát triển đột phá, lâu dài./.
Hải Nguyên