Vào tháng 1 vừa rồi, các nhà lãnh đạo của ECOWAS đã nhóm họp để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị do liên tiếp xảy ra đảo chính trong khu vực, đặc biệt sau quyết định rời khỏi khối 15 thành viên này của Niger, Burkina Faso và Mali.
Sau các cuộc đàm phán kín, ECOWAS cho biết họ đã chính thức quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Niger bao gồm đóng cửa biên giới, đóng băng tài sản nhà nước và ngân hàng trung ương cũng như đình chỉ các giao dịch thương mại.
ECOWAS cho biết điều này được thực hiện vì lý do nhân đạo, nhưng động thái này sẽ được coi là một cử chỉ xoa dịu khi ECOWAS cố gắng thuyết phục 3 quốc gia do quân đội nắm quyền ở lại liên minh gần 50 năm tuổi này, cũng như khơi thông lại dòng chảy thương mại và dịch vụ của khối, trị giá gần 150 tỷ USD mỗi năm.
ECOWAS cũng cho biết họ đã dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhất định đối với Guinea, quốc gia không muốn rời khỏi ECOWAS nhưng giống như các quốc gia do chính quyền quân sự điều hành khác không cam kết về mốc thời gian để quay trở lại chế độ dân chủ.
Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, Omar Touray, cho biết một số biện pháp trừng phạt có chủ đích và trừng phạt chính trị vẫn được áp dụng đối với Niger nhưng không nêu chi tiết.
Trước đó, Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu cho biết khối phải suy nghĩ lại chiến lược của mình trong nỗ lực kêu gọi các nước khôi phục trật tự hiến pháp và kêu gọi Niger, Burkina Faso, Mali và Guinea “không coi tổ chức của chúng tôi là kẻ thù”.
ECOWAS đã đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với Niger vào năm ngoái sau khi binh lính đảo chính thành công và bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26 tháng 7.
Các biện pháp trừng phạt đã buộc Niger, vốn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, phải cắt giảm chi tiêu công và không trả được khoản nợ hơn 500 triệu USD. Trong thông cáo mới, ECOWAS lặp lại lời kêu gọi thả ông Bazoum và yêu cầu chính quyền quân sự cung cấp “thời gian biểu chuyển tiếp có thể chấp nhận được”.
Cuộc đảo chính ở Niger diễn ra sau hai cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso trong ba năm qua. Quân đội cũng đã lên nắm quyền ở Guinea vào năm 2021.
Hoàng Anh (theo Reuters)