(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Mộ Đức có nhiều làng nghề truyền thống như nghề làm nước mắm, nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng rau… nhưng có nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực khôi phục, phát triển các làng nghề, gắn với xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở địa phương.
Gìn giữ nghề truyền thống
Trồng dâu nuôi tằm là một trong những nghề truyền thống ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp. Trên diện tích đất bãi bồi màu mỡ nhờ phù sa từ dòng sông Vệ bồi đắp, các hộ dân trồng dâu để lấy lá nuôi tằm. Người dân còn trồng xen canh cây dâu với các loại cây khác như bắp, ớt, đậu phụng, đậu nành… Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Hiện có trên 30 hộ dân ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm. |
Trưởng thôn Phú An Phan Bé cho hay, nghề trồng dâu nuôi tằm hưng thịnh từ năm 1997 – 2000. Thời gian đó, có nhiều nhà máy ươm tơ nên thương lái đến tận nhà các hộ nuôi tằm để thu mua kén. Sau một thời gian, các nhà máy ươm tơ không còn hoạt động, dẫn đến thương lái thu mua ít dần, đầu ra của kén tằm ngày càng hạn hẹp. Hiện nay, lao động chính của nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là người lớn tuổi, còn thanh niên ở địa phương chủ yếu đi làm ăn xa. Một số hộ dân chuyển sang cây trồng khác. Hiện nay, chỉ còn hơn 30 hộ thường xuyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm.
Gia đình ông Lê Văn Trường có 5 sào đất trồng dâu. Trung bình 2 tháng, ông Trường thu hoạch 3 lứa kén tằm. Kén tằm có giá từ 140 – 190 nghìn đồng/kg. “Tùy vào diện tích trồng dâu mà người nuôi nhiều hay ít tằm. Khó khăn hiện nay là đầu ra của kén tằm ngày càng thu hẹp. Chúng tôi phải chở kén tằm vào tận Bình Định để bán, giá cả chủ yếu phụ thuộc vào thương lái”, ông Trường cho hay.
Để giữ nghề truyền thống, năm 2018, chính quyền xã Đức Hiệp đã hỗ trợ cây, con giống cho người dân, đồng thời liên kết, tìm đầu ra cho kén tằm tại Bình Định. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến việc lưu thông, vận chuyển kén tằm bị ảnh hưởng. “Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, nhưng địa phương quyết tâm gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Thời gian đến, chính quyền địa phương tiếp tục tìm hiểu các nơi thu mua kén tằm, để tìm đầu ra cho kén tằm ở thôn Phú An. Đồng thời, liên kết, học hỏi các kỹ thuật nuôi mới từ các vùng trồng dâu nuôi tằm khác để hướng dẫn người dân, giúp phát huy nghề truyền thống”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Phạm Bá Năm cho hay.
Phát huy lợi thế
Năm 2016, chị Phạm Thị Thúy Vân, ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi đầu tư phát triển nghề làm nước mắm. Chị Vân cho hay, làm nước mắm là nghề truyền thống của người dân Đức Lợi. Từ lâu, nước mắm Đức Lợi đã theo chân các bà, các mẹ đến với người dân ở các địa phương trong tỉnh. Theo thời gian, nghề làm nước mắm truyền thống gặp khó khăn vì không đủ sức cạnh tranh với các loại nước mắm công nghiệp. Để nâng tầm nước mắm truyền thống, chị Vân đựng mắm trong chai thủy tinh, chai nhựa có nhãn mác nước mắm Đức Hải. Chai đựng với dung tích phù hợp nhu cầu sử dụng trong gia đình. Năm 2020, nước mắm Đức Hải cùng nước mắm Phát Hải, Phương Loan ở xã Đức Lợi được công nhận đạt chuẩn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) 3 sao cấp tỉnh.
Chị Phạm Thị Thúy Vân, ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi (Mộ Đức) đầu tư phát triển nghề làm nước mắm truyền thống. |
Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, người làm nước mắm ở xã Đức Lợi còn quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. “Bây giờ không còn chở đi bán dạo nữa, khách hàng đặt qua điện thoại rồi chúng tôi chở đến tận nơi. Thời gian qua, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, người làm nghề nước mắm được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Người tiêu dùng tin tưởng, tìm đến các sản phẩm truyền thống. Vì thế, nước mắm truyền thống Đức Lợi có chỗ đứng trên thị trường. Về lâu dài, cần xây dựng thương hiệu tập thể nước mắm Đức Lợi để kêu gọi các hộ dân làm mắm đồng hành, nỗ lực bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mắm Đức Lợi Nguyễn Đình Hiếu chia sẻ.
Xã Đức Lợi còn được nhiều người biết đến là vựa rau lâu đời, cung ứng rau cho các chợ truyền thống, khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tại thôn An Mô hiện có 293 hộ dân, hầu hết đều làm nghề trồng rau. Đây là nơi cung cấp các loại rau như cải, mồng tơi, rau muống, xà lách, bồ ngót, các loại rau thơm như rau húng, quế, hành, ngò… Bên cạnh đó, người dân thôn An Mô còn trồng khổ qua, mướp, bí đao, dưa leo… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhờ nghề trồng rau, người dân thôn An Mô có thu nhập cải thiện cuộc sống, nuôi con ăn học. Những vườn rau của các hộ dân còn góp phần tạo nên cảnh quan đậm chất làng quê, thu hút nhiều người ở xa đến tham quan, tìm hiểu.
Trưởng thôn An Mô Dương Tấn Đoàn cho biết, trên địa bàn thôn đã thành lập HTX rau truyền thống. Người dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau, được hỗ trợ các loại giống, phân bón. Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch diện tích trồng rau tập trung tại bãi bồi ven sông để hướng đến phát triển các sản phẩm rau của thôn An Mô.
Phát triển làng nghề mới
Bên cạnh các làng nghề truyền thống, từ sự chịu khó, tiên phong, dám nghĩ, dám làm của các hộ dân, trên địa bàn huyện Mộ Đức đã hình thành các làng nghề mới như làng nghề trồng hoa, trồng nấm. Trong đó, nghề trồng nấm tại xã Đức Nhuận không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn cung cấp các sản phẩm nấm sạch cho thị trường.
Hợp tác xã nấm Đức Nhuận thành lập năm 2011. Lúc đầu, HTX có 12 thành viên, đến nay có 29 thành viên. Không chỉ cùng nhau góp vốn, các thành viên trong HTX còn hỗ trợ nhau trong khâu thu hoạch nấm. Trung bình mỗi năm, HTX nấm Đức Nhuận xuất ra thị trường hàng trăm tấn nấm bào ngư. Đối với nấm linh chi, HTX cung ứng khoảng 30 tấn. Bên cạnh các sản phẩm nấm tươi, HTX còn chú trọng đến các sản phẩm sau thu hoạch như các loại trà túi lọc nấm linh chi, hạt nêm từ nấm bào ngư, khô sợi nấm bào ngư… Hợp tác xã nấm Đức Nhuận hiện có 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao. Đây là HTX có nhiều sản phẩm OCOP nhất trên địa bàn tỉnh. Qua đây cho thấy sự nỗ lực và hướng đi phù hợp của HTX, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm của HTX hiện được trưng bày, kinh doanh tại nhiều cửa hàng OCOP, hội chợ, triển lãm trong và ngoài huyện.
Giám đốc HTX nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho hay, bên cạnh sự nỗ lực, tìm tòi của các thành viên, HTX còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp huyện, tỉnh trong việc hướng dẫn các thủ tục, quy trình, hỗ trợ đào tạo, tập huấn… Từ đó HTX mạnh dạn sản xuất, mở rộng quy mô, cung ứng các sản phẩm mới ra thị trường. Nhiều địa phương, hội, đoàn thể đã đến tham quan, học hỏi. Một số trường học cũng đã đưa học sinh đến tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch nấm tại HTX.
Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Mộ Đức đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, để khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển các nghề nông nghiệp, nông thôn, huyện đã hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp sạch; kết nối chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; hỗ trợ xây dựng nhãn mác, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Tuy nhiên, việc khôi phục, phát triển các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi phụ thuộc vào nhận thức người dân, thị trường, đầu ra, các chính sách hỗ trợ. Thời gian đến, huyện chú trọng thực hiện các giải pháp đẩy mạnh khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hình thành nhiều sản phẩm du lịch nông thôn để tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
|
Bài, ảnh: BẢO HÒA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: