Sau 22 phiên miệt mài bán ròng cổ phiếu Hòa Phát (HPG), nhà đầu tư ngoại đã quay trở lại mua ròng gần 4,26 tỷ đồng trong phiên cuối tuần này.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) chốt phiên giao dịch cuối tuần (6/9) tại 25.400 đồng, tăng 1,4% so với tham chiếu. Nhờ dòng tiền khối ngoại tích cực giải ngân vào cổ phiếu này, HPG đóng cửa trong sắc xanh sau chuỗi 7 phiên giảm điểm liên tiếp.
Cụ thể, trong số 22,85 triệu cổ phiếu HPG được sang tay trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khoảng 8,5 triệu cổ phiếu. Nhóm này giải ngân 108 tỷ đồng để mua vào gần 4,32 triệu cổ phiếu, trong khi khối lượng bán ra xấp xỉ 4,15 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 103,8 tỷ đồng. Giá trị mua ròng theo đó đạt 4,26 tỷ đồng.
Phiên giao dịch hôm nay đánh dấu việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng cổ phiếu Hoà Phát sau quãng thời gian xả hàng quyết liệt kéo dài từ ngày 5/8. Khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu đứng đầu ngành thép với tổng giá trị ròng lên đến 2.530 tỷ đồng.
Trong chuỗi bán 22 phiên liên tiếp có 4 phiên khối ngoại bán ròng hơn 200 tỷ đồng, còn lại hầu hết trên 100 tỷ đồng. Phiên bán ròng đỉnh điểm trong chuỗi này là ngày 22/8, khi giá trị xả hàng lên đến hơn 245 tỷ đồng. Phiên 8/8 ghi nhận giá trị giải ngân ít nhất trong đợt xả hàng này khi khối ngoại chỉ mua vào chưa đến 2 tỷ đồng.
Thị giá HPG có những phiên tăng giảm đan xen từ khi khối ngoại xả hàng quyết liệt. Cổ phiếu này đã giảm khoảng 7% so với phiên đầu chuỗi và mất hơn 20% so với vùng đỉnh 2 năm được lập vào tháng 5/2024 (32.000 đồng). Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất khoảng 20 triệu cổ phiếu.
Vào thời điểm cổ phiếu Hoà Phát bị khối ngoại miệt mài xả hàng, nhiều công ty chứng khoán trong nước vẫn đánh giá cao về triển vọng tăng giá của cổ phiếu này. Trong báo cáo công bố cách đây hơn nửa tháng, nhóm chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Aseco) đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu là 32.000 đồng/cổ phiếu. Dự phóng này tăng 26% so với vùng giá hiện tại.
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của HPG sẽ tiếp tục hồi phục nhờ động lực từ thị trường bất động sản trong nước và đẩy mạnh đầu tư công. Nhận định này dựa trên cơ sở kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HPG tiếp tục được cải thiện với đóng góp từ thép xây dựng trong nước và biên lợi nhuận gộp dự được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tăng trưởng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đạt 7,34% so với cùng kỳ năm trước, thị trường bất động sản quý II năm nay tiếp tục ghi nhận tín hiệu hồi phục về nguồn cung. Ngoài ra, các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8 kỳ vọng sẽ giúp tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế nửa năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 70.408 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp hơn 9.401 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 13,3%. Lãi trước thuế giai đoạn này đạt 6.994 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 6.189 tỷ đồng, cùng gấp hơn 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Ban lãnh đạo HPG nhận định, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều ẩn số, tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, biến động về tỷ giá, lãi suất cùng các yếu tố khác trên thị trường thế giới. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 50,3% kế hoạch kinh doanh và 62% mục tiêu lợi nhuận.
Trước đó, Hòa Phát thực hiện phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10% (mỗi đồng sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát đã tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng, từ mức 58.100 tỷ đồng lên gần 64.000 tỷ đồng. Hòa Phát trở doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán với 6,4 tỷ cổ phiếu, chỉ sau VPBank với 7,9 tỷ cổ phiếu.
Về các kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho hay, Hoà Phát phải làm việc khó. Hiện công ty đang nghiên cứu việc sản xuất tôn silic phục vụ cho sản xuất mô tơ điện dùng trong chế tạo biến thế và xe điện. Cạnh đó là làm thép cho đường ray xe lửa.
Bên cạnh Dự án Dung Quất 2 đang được khẩn trương xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm Khu liên hợp thép mới tại Phú Yên – được gọi là Dự án Dung Quất 3 với quy mô đầu tư 5 tỷ USD.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 206.609 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 97.932 tỷ, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Phần lớn trong cơ cấu nợ của công ty là mục ngắn hạn với hơn 73.551 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 108.676 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 40.474 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/khoi-ngoai-cat-chuoi-ban-rong-co-phieu-hoa-phat-d224221.html