Áp lực bán ròng giảm rõ rệt trong tháng 8
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi áp lực bán ròng duy trì hầu hết các tháng, ngoại trừ tháng 1.2024 giữ được trạng thái mua ròng hơn 1.100 tỉ đồng. Trong khi đó, tháng bán ròng thấp nhất vào tháng 2 đạt gần 1.500 tỉ đồng, tháng 5 là tháng bán ròng mạnh nhất với giá trị lên tới hơn 19.000 tỉ đồng.
Tính đến nay, xu hướng bán ròng trên thị trường vẫn diễn ra, tuy nhiên, dữ liệu từ HOSE cho thấy áp lực bán ròng đã giảm dần trong tháng 7 và tháng 8 với giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn giảm xuống còn 3.611 tỉ đồng trong tháng 8, thấp hơn đáng kể mức 8.376 tỉ đồng tháng 7.
Trong khi đó, trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài có tháng bán ròng thứ hai với giá trị bán ròng tăng từ 110 tỉ đồng lên 228 tỉ đồng. Ngược lại, trên thị trường UPCoM, khối này duy trì thu hẹp quy mô từ 199 tỉ đồng xuống 65 tỉ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, nhà đầu tư ngoại rút 64.059 tỉ đồng khỏi sàn HOSE, 959 tỉ đồng khỏi thị trường UPCoM trong khi mua 300 tỉ đồng với cổ phiếu niêm yết trên HNX. Tính chung, con số này đã vượt qua năm bán ròng kỷ lục 58.000 tỉ đồng trong năm 2021.
Riêng trong tháng 8, “cổ phiếu quốc dân” HPG ghi nhận khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tổng cộng hơn 100 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 2.500 tỉ đồng tính từ đầu tháng 8 đến nay. Tiếp đến là VHM bị bán ròng hơn 2,179 tỉ đồng, hai cổ phiếu khác cũng bị bán ròng trên nghìn tỉ đồng gồm VJC gần 1,426 tỉ đồng và TCB gần 1,058 tỉ đồng.
Tính chung 8 tháng đầu năm, danh mục bán ròng mạnh tập trung chủ yếu ở những cổ phiếu có thị giá cao hoặc bluechip. Riêng cổ phiếu VHM bị bán ròng tới hơn 15.150 tỉ đồng; cổ phiếu FPT bị bán ròng gần 6.599 tỉ đồng, VRE bị bán ròng gần 4.750 tỉ đồng.
Dự báo bán ròng giảm những tháng cuối năm
Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua như những bất ổn về kinh tế và địa chính trị toàn cầu, chính sách tiền tệ tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ gây tâm lý lo ngại và áp lực lớn lên dòng vốn khiến các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường.
Trong khi đó, ở trong nước, giá USD đồng loạt lao dốc, áp lực tỉ giá đã giảm sau khi trải qua 6 tháng đầu năm 2024 đầy căng thẳng. Tỉ giá trung tâm ngày 31.8 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh còn 24.224VND/USD, tương ứng giảm 21 đồng so với đầu tháng và giảm 51 đồng so với mức đỉnh của 8 tháng đầu năm.
Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng, khi họ bán các cổ phiếu vốn hóa lớn để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Dễ thấy nhất là việc chốt lời cổ phiếu FPT là điều dễ hiểu và hợp lý khi mã này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
Dự báo về xu hướng giao dịch của khối ngoại thời gian tới, SSI Research cho rằng áp lực rút vốn ngoại có thể giảm bớt vào cuối năm nay, với kỳ vọng FED giảm lãi suất sẽ tạo động lực tích cực mới cho thị trường.
“Lãi suất tăng và tỉ giá biến động có thể đã phản ánh lên sự sụt giảm của thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì mục tiêu 1.300-1.350 điểm cho VN-Index vào cuối năm 2024” – SSI Research dự báo.
Trong khi đó, đánh giá về áp lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital – chia sẻ: “Chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng hơn 2 tỉ USD từ đầu năm 2024 đến nay là con số rất lớn, nếu thị trường không được nâng hạng thì khả năng cao sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tuy nhiên, để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện tỉ lệ sở hữu nước ngoài”.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/khoi-ngoai-ban-rong-ky-luc-65000-ti-dong-nhung-ap-luc-da-giam-1390376.ldo