Với tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều bạn trẻ trong tỉnh đã xây dựng các mô hình khởi nghiệp từ việc liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thành công với trà mãng cầu
Lựa chọn sản xuất trà mãng cầu để khởi nghiệp, chị Lê Thị Ly Na, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã thành lập cơ sở trà mãng cầu Anna Food. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, chị Ly Na đã liên kết với các hộ dân ở địa phương để trồng, sản xuất trái mãng cầu theo hướng hữu cơ.
Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, sản phẩm trà mãng cầu Anna Food đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, được cấp chứng nhận ISO 2200: 2018. Sau gần 3 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm trà mãng cầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với tổng doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận mang lại 2 tỷ đồng/năm.
Chị Lê Thị Ly Na khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà mãng cầu |
Chị Ly Na cũng gặt hái nhiều thành công với dự án trà mãng cầu như đạt giải nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông lần thứ 1 năm 2019. Bản thân chị cũng vinh dự là một trong những thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vào cuối năm 2021 vừa qua.
Hiện chị Ly Na đang tiếp tục phát triển các sản phẩm trà túi lọc, bột mãng cầu, nước mãng cầu lên men tự nhiên và mở xưởng sản xuất bún khô từ gạo, rau, củ quả…
Chị Ly Na cho biết: “Việc chế biến chuyên sâu sẽ góp phần tăng giá trị nông sản của nông dân. Khi có quá trình chế biến để tăng giá trị, các sản phẩm nông nghiệp được thu mua vào sẽ có giá cao hơn, đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân”.
Nâng cao giá trị hạt cà phê
Gia đình anh Hoàng Châu Việt Vũ, ở thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã gắn bó với cây cà phê từ hàng chục năm nay. Thấy bố mẹ chỉ trồng đại trà, xuất bán hạt cà phê thô cho các đại lý thu mua nông sản với giá thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra, Vũ đã tìm hiểu phương pháp canh tác, sơ chế làm sao để hạt cà phê đạt chất lượng tốt nhất, từ đó nâng cao giá trị, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Từ kiến thức học được, chàng trai trẻ đã thuyết phục gia đình áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng hạt cà phê và sơ chế cà phê hiện đại theo phương pháp Natural (chế biến tự nhiên). Nhờ đó, với cùng diện tích canh tác, sản lượng và chất lượng hạt cà phê của gia đình Vũ được nâng cao với giá cà phê hạt từ 60.000 đồng – 130.000 đồng/kg.
Anh Hoàng Châu Việt Vũ đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm cà phê |
Ngoài cà phê nhân, Vũ còn chế biến cà phê bột và bán đến tận tay người tiêu dùng để đem lại những sản phẩm sạch, mang tính tự nhiên, đậm đà hương vị cà phê. Sản phẩm cà phê Robusta của gia đình Vũ cũng đạt giải nhất toàn quốc trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2020.
Vũ tâm sự: “Tôi chỉ cố gắng mang lại cho người tiêu dùng những hạt cà phê chất lượng nhất, ngon hơn, bảo đảm sức khỏe. Đồng thời, tôi cũng muốn lan tỏa cách làm này đến những người nông dân trồng cà phê khác, giúp họ thay đổi thói quen canh tác, thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam. Chịu khó học hỏi, áp dụng những phương pháp tiên tiến, sản xuất chuyên sâu sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao”.
Đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giải quyết được tình trạng luẩn quẩn được mùa mất giá và ngược lại trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là hướng khởi nghiệp hiệu quả cho các bạn trẻ dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. |