Năng động, sáng tạo, nhiều bạn trẻ đã tìm tòi, vận dụng lợi thế của địa phương để mở ra hướng phát triển kinh tế, truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng cho thanh niên, người dân trên địa bàn.
Hướng đi mới với sản phẩm thảo dược
Làm công tác giảm nghèo tại huyện Tuy Đức, anh Trần Văn Hoàng, ở huyện Đắk R’lấp đã có nhiều cơ hội đi địa bàn, tìm hiểu đời sống dân cư nơi vùng biên giới. Qua tìm hiểu, anh Hoàng biết đến cây An Xoa là một dược liệu quý, tốt cho sức khỏe con người, nhất là tăng cường các chức năng gan. Vài người dân địa phương biết tác dụng của loại cây này thường hái ở rừng về để đun nước uống, phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa thực sự biết cách khai thác làm kinh tế.
Từ thực tiễn trên, anh Hoàng quyết định tìm tòi, nhân giống cây An Xoa trong tự nhiên để trồng đại trà và chiết xuất cây dưới dạng cao để cô đặc các tinh chất, dễ vận chuyển, dễ sử dụng, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua nghiên cứu, phát triển, anh Hoàng đã bắt đầu xây dựng thương hiệu và lập nên cơ sở sản xuất cao An Xoa Trần Hoàng Đắk Nông.
Anh Trần Văn Hoàng (bên trái), chủ cơ sở sản xuất cao An Xoa Trần Hoàng Đắk Nông liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Đức để trồng và sản xuất cây An Xoa |
Sản phẩm cao An Xoa được sản xuất từ dược liệu thiên nhiên, dễ sử dụng nên dần được người tiêu dùng tin tưởng, đặt mua. Mô hình giúp anh Hoàng có nguồn thu nhập khá, đồng thời tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế cho những hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Đức liên kết trồng cây An Xoa với anh.
Dự án “Phát triển thương hiệu cao An Xoa Trần Hoàng Đắk Nông” của anh Hoàng là 1 trong 3 dự án của tỉnh Đắk Nông lọt vào bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021.
Ứng dụng công nghệ thông tin để tiêu thụ sản phẩm
Xác định khởi nghiệp với sản phẩm mắc ca cùng những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đắk Nông, chị Chu Thị Thái, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) đã gặt hái được nhiều thành công. Sau 3 năm khởi nghiệp, Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại, dịch vụ Vương Anh của chị Thái ngày càng phát triển với trang thiết bị hiện đại, sản phẩm chất lượng, được sự tin tưởng của khách hàng trong cả nước. Công ty nhận bao tiêu, thu mua hạt mắc ca tươi với diện tích hơn 10 ha của các nhà vườn trong tỉnh, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn.
Chị Chu Thị Thái, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) gặt hái được nhiều thành công từ việc sản xuất, kinh doanh mắc ca cùng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương |
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Thái đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thương hiệu với việc thuê đội ngũ marketing chuyên nghiệp, thúc đẩy liên kết với các cơ sở, đại lý để bán sỉ, kết hợp bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay trên mạng xã hội Zalo, Facebook.
Nhờ đó, công ty của chị Thái đã dần có chỗ đứng trên thị trường, trở thành đối tác cung cấp sản phẩm các loại hạt dinh dưỡng thường xuyên cho hơn 20 cửa hàng thực phẩm, sạch, các đại lý trên địa bàn TP. Hà Nội, cùng nhiều cơ sở kinh doanh khác trên cả nước.
Chị Thái cho biết: “Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, tôi đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Việc này giúp tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong cả nước, linh động, đa dạng trong phương thức bán hàng, tiếp cận nhanh nhất, tiện lợi với nguồn chi phí thấp đến những thị trường tiềm năng như TP. Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh Nam Bộ…”.
Chị Chu Thị Thái tận dụng thế mạnh của các sàn thương mại điện tử để tìm đầu ra cho các sản phẩm của công ty |
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xây dựng kinh tế nông thôn. Để tiếp sức, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực”.
Tiếp tục thực hiện đề án “Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018-2022”, các cấp bộ đoàn, hội đã giới thiệu việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho gần 20.000 lượt thanh thiếu niên. Năm 2021, với nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm (vốn 120-Trung ương Đoàn), toàn tỉnh đã triển khai tại 15 dự án của thanh niên đang trong thời hạn cho vay với tổng số vốn 770 triệu đồng.
Đặc biệt, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã tham mưu thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông với tổng số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng dành cho 15 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên. Trong đó, 3 mô hình của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ với tổng số vốn là 300 triệu đồng; 2 mô hình của thanh niên tín đồ tôn giáo trị giá 150 triệu đồng.