Tại lớp đào tạo “Hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh” do Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua, các chuyên gia kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp hãy “đi cùng nhau”, chia sẻ khó khăn, thành công và tương tác với nhau để cùng phát triển.
Đồng hành
Lớp đào tạo “Hoàn thiện dự án và kỹ năng trình bày dự án khởi nghiệp (KN) sáng tạo cấp tỉnh” được tổ chức dành cho các tác giả, đồng tác giả ý tưởng, dự án KN dự kiến tham gia đánh giá, công nhận dự án KN sáng tạo cấp tỉnh năm 2023.
Theo kế hoạch, lễ công bố và công nhận ý tưởng, dự án KN năm 2023 được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội KN sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ tư – TechFest Quang Nam 2023 diễn ra từ 24 – 26/8 tại Quảng trường 24/3.
Ông Phạm Ngọc Sinh cho biết, KN cần dựa trên giá trị tài nguyên bản địa của mỗi địa phương. Giá trị tài nguyên bản địa là vũ khí tạo sự cạnh tranh, khác biệt. Ngoài ra, các chủ thể cần quan tâm đến 3 yếu tố, đó là sở hữu trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh. Trong đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm KN rất quan trọng, như khi sinh con phải đặt tên và làm giấy khai sinh. Nếu không làm sớm, có ngày sản phẩm là “con đẻ” của mình nhưng lại thuộc sở hữu của người khác…
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, trên toàn quốc ít có địa phương nào tổ chức lớp đào tạo dành cho tác giả dự án KN như Quảng Nam.
Điều đó chứng tỏ sự đồng hành, quan tâm của tỉnh đối với công tác hỗ trợ KN đổi mới sáng tạo nói chung và chính chủ thể những người KN nói riêng.
Năm nay, lớp đào tạo diễn ra trong 1 ngày, các học viên được các thành viên đến từ Hội đồng Cố vấn KN tỉnh và khách mời doanh nghiệp đến từ TP.Hồ Chí Minh truyền đạt một số chuyên đề về KN đổi mới sáng tạo dựa trên tài nguyên bản địa; ứng dụng chuyển đổi số để KN thành công; kinh nghiệm và kỹ năng trong xây dựng, trình bày dự án KN…
Năm thứ 2 tham gia lớp đào tạo do Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh tổ chức, theo chị Võ Thu Thủy – Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Tam Anh Nam tại huyện Núi Thành, lớp đào tạo có ý nghĩa thiết thực với những người đang ấp ủ các ý tưởng, dự án KN.
“Năm ngoái là lần đầu tôi đăng ký tham gia thi KN cấp tỉnh. May mắn trước đó được tham gia lớp đào tạo nên tôi đã thể hiện khá tốt khi đứng trước hội đồng đánh giá. Năm nay tôi dự định tham gia cuộc thi với một sản phẩm mới. Tham gia lớp đào tạo lần này, tôi mong sẽ học được những điều bổ ích, nắm được kỹ năng trình bày dự án, đặc biệt là tiếp nhận được nguồn cảm hứng mới để thuyết trình dự án tốt hơn” – chị Thủy nói.
Đến từ TP.Hội An, chị Phạm Thị Công lần đầu tham gia lớp đào tạo ở tỉnh dành cho các chủ dự án KN.
“Tôi đang có một dự án nhỏ về du lịch làng nghề chiếu cói ở Cẩm Kim. Là hướng dẫn viên du lịch, lâu nay tôi đã giới thiệu khách về với làng nghề để trải nghiệm. Từ đây, nhiều sản phẩm thủ công làm từ cói đã được du khách đánh giá cao. Với mong muốn phát triển dự án, tôi tham gia lớp đào tạo nhằm kết nối những người có kinh nghiệm và học hỏi kiến thức bổ ích” – chị Công chia sẻ.
Đi xa thì đi cùng nhau
Những kinh nghiệm, bài học và kiến thúc thú vị về KN đã được các chuyên gia, cố vấn chia sẻ tại lớp đào tạo. Với kinh nghiệm của một người từng KN, ông Lê Thanh Tuấn, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ số lưu ý người KN cần chú ý đến vấn đề đặt tên cho sản phẩm. Một cái tên hay đi kèm với câu slogan thú vị sẽ định hình sản phẩm trên thị trường và thu hút người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bão Quốc – Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng bài thuyết trình dự án và kỹ năng trình bày dự án thành công. Những vấn đề được lưu ý đó là mô hình kinh doanh mới; việc nắm bắt nhu cầu khách hàng.
Để xây dựng một cấu trúc bài thuyết trình chuẩn, tác giả ý tưởng, dự án KN cần nêu cho được vấn đề thị trường/khách hàng; quy mô thị trường và phân khúc khách hàng mục tiêu; tuyên ngôn giá trị; chiến lược thị trường…
Trong nhiều điều chia sẻ, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn KN sáng tạo tỉnh cho biết, KN là hành trình cô đơn, do đó những người KN hãy cố gắng gắn bó, chia sẻ và hỗ trợ nhau. Minh họa cho thông điệp “Hãy đi cùng nhau”, ông Dũng lấy hình ảnh đàn ngỗng khi bay trên bầu trời thường kết thành chữ V nhằm nâng đỡ, giúp nhau bay xa.
“Tương tự, cộng đồng KN cũng vậy, đi cùng nhau sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và về đích nhanh hơn… Trên con đường KN, các bạn KN hãy mạnh dạn chia sẻ, đi cùng nhau, vì nếu không có tinh thần tập thể sẽ rất lẻ loi” – ông Dũng chia sẻ.
Là một người trẻ KN, chị Võ Thu Thủy – Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Tam Anh Nam hiểu rất rõ về giá trị của thông điệp “Đi cùng nhau”. Chị Thủy chia sẻ: “Khi mới bắt đầu KN, tôi là hộ kinh doanh đơn lẻ, một mình loay hoay trong sản xuất, thương mại…
Tuy nhiên, khi tham gia, kết nối với cộng đồng KN, tôi được nhận lại rất nhiều. Sản lượng tăng, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến. Cộng đồng KN không chỉ chia sẻ kinh nghiệm mà còn là đối tác, khách hàng và hỗ trợ marketing sản phẩm. Những giá trị đó càng khẳng định cho câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.