Khởi nghiệp góp phần tạo nguyên khí cho quốc gia
Chiều 17.4.2024, Viện Nghiên cứu khởi nghiệp đã chính thức được ra mắt nhằm thực hiện sứ mệnh gắn kết để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và phát triển bền vững.
Tại lễ ra mắt Viện Nghiên cứu khởi nghiệp, TS Đinh Việt Hoà – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, tinh thần khởi nghiệp đang phát triển một cách mạnh mẽ. 10 năm trước, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 50.000-60.000 doanh nghiệp hình thành. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, số doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và chỉ riêng năm 2023 đã có tới gần 200.000 doanh nghiệp được thành lập mới.
“Điều này cho thấy khát khao trưởng thành, phát triển của những người khởi nghiệp” – TS Đinh Việt Hòa nói.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh: Thu nhập trung bình là kẻ thù của phát triển. Đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình là sứ mệnh lớn lao của tuổi trẻ và khởi nghiệp chính là cơ hội để thực hiện cải cách.
“Khởi nghiệp đang dẫn dắt làn sóng cải cách lần thứ hai. Nếu như trước đây cải cách lần một là tạo công ăn việc làm, đưa đất nước thoát nghèo thì làn sóng thứ hai của cải cách chính là đổi mới sáng tạo gắn với nền tri thức hiện đại. Hành trình đổi mới đưa Việt Nam tăng trưởng hàng năm, nhưng phải xem xét lại chất lượng của tăng trưởng… Năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp, chỉ số ICOR chưa cao… đó là hạn chế nhưng cũng chính là dư địa để tăng trưởng, phát triển” – TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, khởi nghiệp là hành trình dài, bền vững để tạo nguyên khí cho quốc gia.
Con người là trọng tâm của khởi nghiệp
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khởi nghiệp, khởi nghiệp là đối tượng của khoa học và phải được thực hiện lâu dài, bền vững chứ không thể là phong trào mang tính chất thời vụ.
“Khởi nghiệp không chỉ là bắt đầu mà còn là cả quá trình và trọng tâm là con người, từ đó cung cấp cho người khởi nghiệp một hành trang khoa học đầy đủ, toàn diện. Chính vì vậy, yếu tố đầu tiên của khởi nghiệp là nghiên cứu khoa học, do vậy, khởi nghiệp cũng phải gắn liền với yếu tố quan trọng thứ hai là đào tạo cùng nhiều yếu tố quan trọng khác” – PGS TS Đinh Xuân Dũng nói.
Chính phủ đã có nhiều chương trình về khởi nghiệp. Trong đó, phong trào đề án 844 đã và đang được Bộ KHCN triển khai mạnh mẽ. Trong khi đó, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH có chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp.
Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia được Bộ KHCN giao nhiệm vụ đóng vai trò là cây cầu gắn kết để Việt Nam có thêm nhiều DN, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), các nhà sáng lập doanh nghiệp để DN khởi nghiệp bớt khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
“Đây là sứ mệnh quan trọng của Hiệp hội và cũng là lý do để Hiệp hội quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp để đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai”, ông Hoà nhấn mạnh.
TS Đinh Xuân Dũng khẳng định rằng, cần thấy rõ những thách thức của khởi nghiệp bởi Việt Nam đang đi sau nhiều nước. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế chính là then chốt để học hỏi kinh nghiệm của các nước, làm giàu tri thức, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước tiên tiến để khởi nghiệp phát triển bền vững, chất lượng.