Năm 2025, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã mở màn cho các kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức. Khoảng 14.000 thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1 trong 2 ngày 18 và 19/1.
Kỳ thi được tổ chức cùng thời gian tại 31 điểm thi, trong đó 18 điểm thi tại khu vực Hà Nội và 13 điểm thi ở các địa phương như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Tăng quy mô, giữ ổn định cấu trúc
Vì ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tăng 10% chỉ tiêu cho xét tuyển đánh giá tư duy nên kỳ thi này thu hút rất đông thí sinh. Trong khi đó, năm 2024 nhà trường tổ chức 6 đợt thi, năm nay giảm còn 3 đợt nhưng số ca thi tăng thêm, tối đa có đến 4 ca trong 1 đợt thi. Ghi nhận trong đợt đầu tiên, số thí sinh tham dự tăng mạnh so với năm trước. Thí sinh Trần Đức Mạnh (Trường THPT Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cùng bố về Hà Nội dự ca thi sáng 19/1 cho biết, em đã tìm hiểu kỹ về kỳ thi này từ năm trước với thời gian ôn tập dài nên khá tự tin. Em hy vọng sẽ dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào ngành Tự động hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội. “Em cũng có dự định sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nhưng phương án này sẽ khó khăn hơn, vì mức độ cạnh tranh cao hơn trong khi chỉ tiêu cho phương án này lại giảm. Nếu lấy điểm chuẩn như năm ngoái, với học lực của em cũng chưa quá chắc chắn trong khi đề thi năm nay có những điều chỉnh nên khó dự đoán” – Mạnh nói.
Sau đợt 1, đợt 2 kỳ thi đánh giá tư duy sẽ tổ chức vào ngày 8 – 9/3 với thời gian mở đăng ký từ 1 – 6/2. Đợt 3 sẽ thi vào 26 – 27/4; mở đăng ký 1 – 6/4.
Cấu trúc kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội về cơ bản giữ ổn định do với năm 2024 do trường đã thay đổi nội dung, hình thức thi theo Chương trình GDPT mới từ năm 2023. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, công tác ra đề thi đánh giá tư duy năm nay phức tạp, vất vả hơn năm ngoái bởi cần phải đối sánh tất cả câu hỏi cho phù hợp với nội dung Chương trình GDPT 2018. Từ đó giúp thí sinh không bị bỡ ngỡ, không có nội dung thi nào vượt ra ngoài chương trình. Kỳ thi cũng áp dụng nhiều công nghệ khảo thí hiện đại như công nghệ xây dựng câu hỏi thi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, công nghệ chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, công nghệ check-in tự động theo thẻ căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử… Dự kiến thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy sẽ biết kết quả thi sau 7 – 10 ngày.
Lưu ý những điểm mới
Năm 2025, không chỉ kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức với nhiều điểm mới mà các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức để tuyển sinh cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, đề thi năm nay, phần giải quyết vấn đề thay đổi đáng kể. Nếu như những năm trước, các câu hỏi tập trung chuyên sâu vào môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý… thì năm nay sẽ chuyển hướng khai thác các vấn đề đa dạng hơn, bao gồm khoa học, xã hội, kinh tế và pháp luật. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo mọi thí sinh, bất kể lựa chọn môn học nào ở bậc phổ thông, đều có thể tiếp cận đề thi một cách công bằng.
Tương tự, bài thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội được xây dựng với cấu trúc gồm 3 phần: Phần 1 là Toán học và xử lý số liệu; phần 2 là Ngôn ngữ – Văn học và phần 3 là Khoa học. Về hình thức, bài thi đánh giá năng lực năm 2025 điều chỉnh chủ yếu ở phần 3 và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành hai phần thi đầu, phần thi thứ 3 thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút. Riêng phần lựa chọn liên quan đến Ngoại ngữ sẽ được xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần Khoa học để đánh giá năng lực chuyên biệt chuyên biệt.
Một thay đổi đáng chú ý khác là các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ có quy mô lớn hơn so với các năm trước. Đơn cử như năm 2025, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến đón 75.000 lượt thí sinh dự thi, tăng 25.000 so với năm 2024 và mở rộng thêm 1 điểm thi tại Lào Cai để thuận tiện hơn cho thí sinh. Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tổ chức 3 – 5 đợt thi tại nhiều điểm thi với số lượng trên 30.000 lượt thi…
Mỗi kỳ thi riêng hiện nay đều không chỉ phục vụ tuyển sinh cho trường ĐH đó mà còn được mở rộng, kết quả thi sử dụng cho nhiều trường ĐH khác. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi cũng như hình thức tổ chức của mỗi kỳ thi là khác nhau nên thí sinh muốn đăng ký kỳ thi nào cần tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt kết quả tốt nhất. Để đảm bảo công bằng và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng kỳ thi riêng, đặc biệt là quy trình xây dựng ngân hàng đề thi nhằm đảm bảo đề thi không vượt quá Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguồn: https://daidoanket.vn/khoi-dong-ky-thi-rieng-10298650.html