Ngày 22/11, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phối hợp với tổ chức ICRAF tại Việt Nam khởi động Dự án “Phục hồi đất bị suy thoái và xây dựng tính bền bỉ với khí hậu ở Lào Cai thông qua Nông Lâm kết hợp bền vững nhằm nâng cao sinh kế và cải thiện chuỗi giá trị” tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ năm 2024 – 2027″.
Tham gia lễ khởi động dự án có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai, Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo huyện Bắc Hà và hai xã thuộc địa bàn Dự án là Hoàng Thu Phố và Nậm Mòn, đại diện Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam cùng người dân tham gia dự án và các bên liên quan.
Thực trạng đất bị suy thoái ở vùng cao
Dự án “Phục hồi đất bị suy thoái và xây dựng tính bền bỉ với khí hậu ở Lào Cai thông qua Nông Lâm kết hợp bền vững nhằm nâng cao sinh kế và cải thiện chuỗi giá trị” giai đoạn năm 2024 – 2027 được triển khai tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai do Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED/Anh) tài trợ thông qua Tổ chức International Center for Research in Agroforestry (ICRAF/Kê-ni-a).
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Tình hình suy thoái đất ở Lào Cai và huyện Bắc Hà đã và đang làm giảm chất lượng đất hoặc làm mất đi một số tính chất của đất, làm cho tầng đất mặt bị rửa trôi tác động đến mục đích sử dụng đất cũng như tác động đến năng suất cây trồng. Nguyên nhân là do quá trình canh tác độc canh; việc mất tầng che phủ; tác động của hiện tượng sạt lở đất bởi mưa lũ, bão,…
Việc canh tác chưa đúng quy trình kỹ thuật như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng gây ra ô nhiễm đất, đất bị chai cứng, tác động vào nguồn nước làm giảm khả năng sử dụng đất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Từ việc suy thoái đất đã gây ra tình trạng bồi lắng lòng hồ thủy lợi, thủy điện, cụ thể đã tác động đến lòng hồ thủy điện tại huyện Bắc Hà; tác động đến việc tích nước, dòng chảy của hệ thống mương, cung cấp nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân.
Cũng theo ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người nghèo, với sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Nguồn thu nhập chính của người dân là từ nông nghiệp.
Tuy nhiên, địa hình bị chia cắt mạnh với núi cao, độ dốc lớn đã hạn chế khả năng canh tác của người dân địa phương. Hạn chế trong khả năng tiếp cận thị trường và cơ hội sinh kế phi nông nghiệp khiến cho người dân không có nhiều lựa chọn trong việc nâng cao sinh kế.
Tại 2 xã Nậm Mòn và Hoàng Thu Phố được dự án triển khai nằm trên triền đất dốc giáp hồ thủy điện Bắc Hà; địa hình đất dốc, tập quán của người dân là canh tác độc canh cây ngô, sắn; canh tác độc canh cây nông nghiệp kéo dài nhưng thiếu các biện pháp bảo vệ đất đã gây ra tình trạng mất tầng đất bề mặt vốn rất giàu chất hữu cơ và dinh dưỡng, dẫn đến giảm năng suất cây trồng.
Việc sự dụng ngày càng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu nhằm tăng năng suất cây trồng và trừ sâu bệnh càng làm giảm chất hữu cơ và hệ vi sinh vật trong đất. Mưa lớn thất thường, hạn hán, nhiệt độ cao và thiếu thảm thực vật che phủ bề mặt đất cũng góp phần làm tăng suy thoái đất.
Dự án góp phần phục hồi đất bị suy thoái
Dự án này được thiết kế với sự tham gia và đóng góp của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và các hội viên nông dân tại huyện Bắc Hà giải quyết những khó khăn của nông dân liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp.
Dự án sẽ trực tiếp nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội Nông dân các cấp ở Lào Cai về các chủ đề kỹ thuật như phát triển nông lâm kết hợp bền vững, kỹ năng về sản xuất theo chuỗi giá trị, năng lực về phát triển thị trường nông sản gắn với phát triển kinh doanh thông qua các khóa tập huấn, tham quan học tập và nghiên cứu; nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu, về tác động của môi trường.
Ngoài việc bổ sung kiến thức, cán bộ Hội Nông dân Lào Cai ở các cấp còn được nâng cao năng lực về làm việc và tiếp cận bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Từ đó, có các giải pháp hài hòa trong việc tiếp cận, khai thác kiến thức bản địa để bổ sung, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của dự án, cũng như bổ sung kiến thức cho việc nhân rộng dự án sau này.
Để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, mục tiêu, kết quả đầu ra theo văn kiện Dự án “Phục hồi đất bị suy thoái và xây dựng tính bền bỉ với khí hậu ở Lào Cai thông qua Nông Lâm kết hợp bền vững nhằm nâng cao sinh kế và cải thiện chuỗi giá trị” tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ năm 2024 – 2027″ do Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED/Anh) tài trợ thông qua Tổ chức International Center for Research in Agroforestry (ICRAF/Kê-ni-a) đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 15/10/2024.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai Bùi Quang Hưng đề nghị UBND huyện Bắc Hà; các cơ quan chuyên môn liên quan của huyện và Đảng ủy, UBND, HĐND 2 xã Nậm Mòn, Hoàng Thu Phố phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai; Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam; Đại Học Nông lâm Thái Nguyên triển khai các hoạt động của dự án đảm bảo tiến độ, nội dung và kết quả đầu ra đã đề ra.
Đối với các hội viên nông dân tham gia dự án phải tích cực, chủ động tham gia, tuân thủ các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác đã đưa ra, cùng Ban quản lý dự án lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của đất và tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết bền vững.
Bảo vệ hàng trăm ha đất trồng trọt bị suy thoái
Mục tiêu của dự án nhằm khôi phục đất bị suy thoái, góp phần thích ứng, giảm nhẹ và bền bỉ với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện sinh kế địa phương thông qua thực hành nông lâm kết hợp phù hợp với bối cảnh cụ thể, cải thiện cách quản lý nông trại, nâng cao mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị, cảnh báo sớm về rủi ro khí hậu và dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp (ACIS).
Theo đó, khi triển khai dự án sẽ mang lại hiệu quả mong muốn là ít nhất 200 ha đất trồng trọt bị suy thoái ở hai xã Nậm Mòn và Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Bà, tỉnh Lào Cai sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng mất lớp đất mặt, các-bon hữu cơ trong đất và chất dinh dưỡng (cụ thể là Ni tơ, Phốt pho và Kali) và cải thiện chất hữu cơ trong đất thông qua hệ thống nông lâm kết hợp bền vững và cải tiến các biện pháp quản lý nông nghiệp.
Ít nhất 100 hộ tham gia sẽ có thu nhập từ trang trại tăng ít nhất 10% so với khi bắt đầu dự án. Ít nhất 50 hộ tham gia chuỗi giá trị và hoạt động phát triển kinh doanh của dự án tăng ít nhất 10% giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp của hộ mình.
Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng địa phương và các bên liên quan sẽ được xây dựng và ít nhất 450 hộ nông dân sản xuất nhỏ người dân tộc thiểu số sẽ có thể chịu ít thiệt hại hơn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan và trở nên bền bỉ hơn trước biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, ít nhất 100 ha nông lâm kết hợp được xây dựng trong dự án sẽ hấp thụ ít nhất 400 tấn CO2 một năm từ năm 2028. Ít nhất 20 đại diện (với 50% là nữ) từ cộng đồng địa phương, các cơ quan chính phủ và các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và đặc biệt là Hội Nông dân) được tham gia lớp tập huấn viên (TOT) do dự án tổ chức và có thể tập huấn lại cho những người khác.
550 lượt thành viên cộng đồng (với 50% nữ) hoàn thành tập huấn (22 lớp) về NLKH bền vững, lập kế hoạch kinh doanh và phát triển chuỗi giá trị… 50 cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai được hưởng lợi từ hoạt động phát triển năng lực của dự án.
2 cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ với đề tài thông qua thực hiện các hoạt động của dự án.
Tại lễ khởi động, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự về nội dung, kế hoạch thực hiện và các hoạt động của dự án REDAA đã được phê duyệt tài trợ cho Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện giai đoạn 2024-2027.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ ICRAF tại Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và những lợi ích kinh tế, môi trường của các mô hình nông lâm kết hợp đã được ICRAF triển khai tại Việt Nam trong hơn 17 năm qua.
Đồng thời, ICRAF giới thiệu tới các đại biểu về Trung tâm học tập về biến đổi khí hậu mà ICRAF đang triển khai tại Thái Nguyên cùng trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, cũng như giới thiệu về chuỗi giá trị và các dịch vụ khí hậu.
Phát biểu tại lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai thông tin: Đây là dự án rất mới, rất quan trọng đối với bà con nông dân trong việc thay đổi tư duy canh tác cây trồng.
Tỉnh Lào Cai có địa hình bị chia cắt nhiều nhất, nhiều vấn đề liên quan đến đất đai rất rõ. Việc tác động đến đất rất cao, trong quá trình sản xuất, năng suất được quan tâm thế nhưng việc đưa lượng thuốc bảo vệ thực vật vào trong khâu phòng trừ sâu, bệnh, phun bảo vệ cây… với lượng nhiều đã ảnh hưởng đến đất, việc canh tác đồi đất dốc bị rửa trôi.
Trong quá trình triển khai dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai sẽ đồng hành cùng Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà triển khai hiệu quả dự án và nhân rộng các địa phương khác.
Tại lễ khởi động dự án, ông Vàng Seo Sà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà (Lào Ca) chia sẻ: Thời gian qua, tôi đã được cùng đoàn tham gia dự án của huyện Bắc Hà đến thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình nông lâm kết hợp do Ban quản lý dự án tổ chức tôi nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với vùng khí hậu Bắc Hà.
Bà con nông dân Sơn La canh tác cây ăn quả rất tốt kết hợp trồng thêm một số loại cây dưới tán giúp giữ đất, bảo vệ đất hiệu quả.
Tôi mong muốn thông qua dự án, bà con sẽ được hỗ trợ cây giống trồng phù hợp, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con phát triển sản xuất…
Dự án REDAA tại Lào Cai là một dự án thuộc chương trình “Đảo ngược tình trạng suy thoái môi trường ở Châu Phi và Châu Á” (gọi tắt là REDAA) là một chương trình xúc tiến nghiên cứu, đổi mới và hành động ở Châu Phi và Châu Á thông qua cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Chương trình REDAA do Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (UKID) trực thuộc Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tài trợ, và do Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) quản lý.
Nguồn: https://danviet.vn/khoi-dong-du-an-ve-phuc-hoi-dat-bi-suy-thoai-va-xay-dung-tinh-ben-bi-voi-khi-hau-o-lao-cai-2024112120491235.htm