Dự án nhằm hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho lao động Hà Tĩnh có nguy cơ cao về mua bán người, đặc biệt là lao động trẻ thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.
Chiều 10/4, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức hội thảo khởi động dự án đấu tranh phòng, chống mua bán người, hợp phần “Tăng cường kỹ năng và cơ hội việc làm cho nhóm lao động có nguy cơ bị mua bán cao, đặc biệt là lao động trẻ đang có mong muốn di cư”. Tham dự hội thảo có bà Doyen Yun – Giám đốc Dự án và quan hệ đối tác (IOM), đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Đại biểu dự hội thảo
Hội thảo nhằm trao đổi phương hướng hỗ trợ kỹ thuật nhằm nhân rộng chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Bà Doyen Yun – Giám đốc Dự án và quan hệ đối tác (IOM) phát biểu khai mạc hội thảo.
Đồng thời, hội thảo góp phần nâng cao năng lực cho đôi ngũ cán bộ, giáo viên về các kỹ năng giảng dạy đối với học sinh, sinh viên, giúp các em học sinh có những kiến thức về kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng tìm kiếm việc làm… Ảnh: Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Mai Hoa phát biểu đề dẫn hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tình hình mua bán người, di cư lao động tại địa phương, nhất là di cư trái phép; xác định cơ chế phối hợp để triển khai thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: Bà Lê Thị Bình – cán bộ chương trình IOM giới thiệu những nguyên tắc bảo vệ an toàn trong công tác hỗ trợ người hưởng lợi.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng Trần Đình Long trao đổi phương pháp triển khai đào tạo cho học sinh, sinh viên và người lao động trước những thông tin xấu độc liên quan đến di cư lao động, di cư trái phép trên mạng xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ bị buôn bán người.
Hợp phần “Tăng cường kỹ năng và cơ hội việc làm cho nhóm lao động có nguy cơ bị mua bán cao, đặc biệt là lao động trẻ đang có mong muốn di cư” gồm nhiều hoạt động như: Hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho lao động có nguy cơ về mua bán người, đặc biệt là lao động trẻ, thông qua nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở đào tạo nghề; cung cấp cơ hội học nghề, thực tập và việc làm cho người lao động có nguy cơ bị mua bán cao, ưu tiên số lao động trẻ có mong muốn di cư; hỗ trợ thành lập và duy trì các mô hình sinh kế tận dụng thế mạnh tại địa phương. Các hoạt động sẽ được triển khai trên địa bàn huyện Lộc Hà và huyện Kỳ Anh. |
Nam Giang