Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bà Joanna Kane-Potaka – Phó Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ.
Mô hình lúa chất lượng cao triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến có diện tích 50ha, hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”.
Theo đó, mô hình đáp ứng các tiêu chí: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, hợp tác xã có 512 ha sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Từ 50 ha thí điểm áp dụng đầu tiên, kỳ vọng sẽ thành công. Từ đó, thành viên hợp tác xã sẽ nhân rộng ra 100% diện tích và các địa phương khác cũng sẽ thực hiện để lan tỏa ra khắp các cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm kỳ vọng: Mô hình sẽ triển khai thành công, đáp ứng được mục tiêu sản xuất lúa giảm phát thải thấp, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân. Từ mô hình mẫu, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sản xuất để có chỉ đạo nhân rộng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Mô hình mẫu 50 ha đầu tiên được triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến áp dụng các quy trình canh tác bền vững
Đồng thời, thông qua mô hình, với sự quan tâm của các địa phương, bà con nông dân, ngành nông nghiệp mong muốn các giải pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ sớm được lan tỏa trong quá trình sản xuất lúa ở Cần Thơ trong các vụ tiếp theo. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng lúa, sản xuất lúa giảm phát thải, bền vững trong điều kiện biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng; giúp người nông dân liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 – 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trước đây, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, rơi vào khoảng 100 – 150 kg/ha. Tham gia cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải với việc áp dụng cơ giới hóa sạ hàng giúp giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, Bộ thực hiện công bố quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp được các nhà khoa học và tổ chức quốc tế công nhận. Cùng ngày 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 5 điểm làm mô hình điểm về sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tập huấn cho người dân hiểu về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đề án 1 triệu ha lúa được Việt Nam triển khai là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới nên được nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã tham gia, đồng hành cùng Đề án 1 triệu hecta lúa như: Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế,…
Bà Joanna Kane Potaka – Phó Tổng giám đốc IRRI kỳ vọng qua mô hình điểm này, nông dân có thể học hỏi được từ các chuyên gia, các đối tác triển khai thực hiện từ kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải. Đồng thời, từ mô hình điểm, IRRI học hỏi kinh nghiệm từ nông dân, doanh nghiệp, đối tác để IRRI có thể đóng góp thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa.