SGGPO
Năm 2022, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đạt doanh thu khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với năm 2013; với lượng nhân lực hiện tại trên 300.000 lao động, tăng gần gấp 2 lần, so với năm 2013.
Ngày 27-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã có buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về “Chương trình TOP 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023”. Chương trình gồm 3 hoạt động: bình chọn doanh nghiệp trong 25 lĩnh vực; biên soạn ấn phẩm đặc biệt với 3 ngôn ngữ; giới thiệu, quảng bá, kết nối hợp tác với đối tác, khách hàng tiềm năng trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo VINASA chủ trì cuộc gặp mặt báo chí. Ảnh: T.B. |
Báo cáo của VINASA cho biết, doanh thu lĩnh vực CNTT Việt Nam trong 2022 là 148 tỷ USD tăng gần 4 lần so với năm 2013. Trong đó ngành phần mềm và dịch vụ CNTT khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 5 lần; nhân lực hiện tại trên 300.000 lao động, tăng gần gấp 2 lần. Việt Nam đã có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 nhân sự, và một lượng lớn các doanh nghiệp có quy mô từ 200-900 nhân sự.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp hầu hết các nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 các nước xuất khẩu dịch vụ CNTT, các doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp các dịch vụ từ vấn chuyển đổi số đến triển khai, kiểm thử trong cả các lĩnh vực khó như: ô tô, hàng không, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Các doanh nghiệp đã chuẩn bị và năng lực tốt trong hầu hết các công nghệ mới như: AI, IoT, Blockchain, Big Data, Cloud… Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lên đến 70.000 doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VINASA phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: T.B. |
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết, qua 1 thập kỷ triển khai, chương trình “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam” không chỉ lựa chọn, giới thiệu tới thị trường những doanh nghiệp, thương hiệu uy tín, xuất sắc; mà đã góp phần tập hợp lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu, định hình, dẫn dắt thị trường CNTT Việt Nam. Qua đó, hình thành một thị trường đầy đủ, có năng lực, và đang gánh trách nhiệm tiên phong chuyển đổi số không chỉ Việt Nam, mà trên cả thị trường quốc tế.
Chương trình cũng là cơ hội để quảng bá, kết nối hợp tác các doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam với đối tác tiềm năng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua đó góp phần trực tiếp củng cố uy tín, xây dựng hình ảnh nền ICT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Quang cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh: T.B. |
Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, lãnh đạo VINASA đã giới thiệu hội nghị và triển lãm Biztech Việt Nam 2023, diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-7 tại TPHCM. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức nhằm mục đích kết nối B2B thúc đẩy chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp; thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi cho khối doanh nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế số, chương trình nhận được sự hưởng ứng, đồng hành tham gia của các cơ quan, sở ngành của TPHCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các hiệp hội doanh nghiệp… Biztech Vietnam 2023 sẽ tập trung vào chủ đề “Kết nối hợp tác – Vượt khó, vươn xa”, gồm 7 phiên hội nghị, với gần 50 diễn giả, chuyên gia; 20 đơn vị triển lãm, hàng chục các nền tảng, giải pháp số ưu đãi, thu hút khoảng hơn 1.000 lượt đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức tham dự.