TPO – Một trong những điều quan trọng trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 7 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có 2 tiểu dự án: giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều.
Để góp phần thay đổi nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Điển hình là TP. Bạc Liêu đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo đến tận cơ sở thông qua các hình thức như: tờ rơi, tờ bướm, các phương tiện thông tin đại chúng…
Cùng với công tác tuyên truyền, TP. Bạc Liêu còn gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã đào tạo nghề cho 1.570 lao động, đạt 104,66% so với chỉ tiêu tỉnh giao; tổ chức phiên giao dịch việc làm theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa bàn 10 phường, xã có 700 lượt người tham dự.
Truyền thông về giảm nghèo đa chiều xác định các mục tiêu là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…
Tư vấn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: KT |
Tạo sức lan tỏa trong xã hội
Về nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị 05 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Trong đó, chú trọng các nội dung: Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chiều thiếu hụt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo…
Đồng thời, truyền thông đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”. Truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin tiếp tục được các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Bạc Liêu triển khai đồng bộ, quyết liệt, cùng với việc huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo đề ra. Sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở, đảm bảo nội dung thông tin tuyên truyền phong phú, đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân.
Nguồn: https://tienphong.vn/bac-lieu-khoi-day-tinh-than-tu-luc-vuon-len-thoat-ngheo-post1563526.tpo