(BLC) – Những năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp thành phố Lai Châu tổ chức linh hoạt, sáng tạo, góp phần khơi dậy tình đoàn kết dân tộc.
Nhớ lại những năm đầu tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, bà Hà Thị Phú – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lai Châu chia sẻ: Những năm đầu thực hiện tổ chức Ngày hội, đơn thuần là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Từ năm 2012 nội dung chương trình ngày càng đổi mới cả phần lễ và phần hội, nhiều xã, phường, tổ dân phố, bản đã có sự sáng tạo trong công tác tổ chức.
Văn nghệ chào mừng 20 năm tổng kết Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại phường Đoàn Kết vào các dịp tổ chức ngày hội, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức cho Nhân dân trên địa bàn phường tham gia thi nấu món ăn truyền thống, biểu diễn các điệu múa, bài hát, nhạc cụ dân tộc Thái, tham gia trò chơi ném còn, tó má lẹ…
Các phường: Tân Phong, Đông Phong, Quyết Tiến tổ chức đá bóng, đánh cầu, các trò chơi bịt mắt bắt vịt, nhảy khiêu vũ, dân vũ, các điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Kinh.
Ở xã San Thàng, phường Quyết Thắng với các hoạt động biểu diễn Pí Kẻo, thổi sáo trúc và các trò chơi dân gian, bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Giáy. Xã Sùng Phài tổ chức các trò chơi như: đánh cầu lông gà, giã bánh dày, thi múa, hát với trang phục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Mỗi năm đến Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ai nấy đều háo hức vui mừng. Do đó dù đang sinh sống, học tập và làm việc ở nơi đâu thì mọi người đều mong muốn được hội tụ gia đình, tri ân với ông, bà, cha, mẹ; góp công sức xây dựng quê hương.
Ông Giàng A Chảo ở bản Sin Páo Chải (xã Sùng Phài) tâm sự: Tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, được ôn lại lịch sử ngày hội, chúng tôi hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của mình với quê hương, đất nước, thấy rõ được sức đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng.
Nghĩa đồng bào dân tộc trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các hộ gia đình khó khăn, hoạn nạn, tri ân với gia đình có công, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội.
Các trò chơi dân gian tại Ngày hội Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thu hút đông đảo người xem.
Từ năm 2005 đến năm 2022, MTTQ các cấp thành phố đã tổ chức quyên góp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” được trên 5 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 192 ngôi nhà “Đại đoàn kết” trị giá trên 4 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất cho 175 hộ nghèo, hộ khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng; tặng 5.351 suất quà trị giá hơn 2,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.
Có 126.457 lượt hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 978 lượt khu dân cư được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Bản văn hóa”; 2/5 phường được công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, 1/2 xã được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Cùng với việc xây dựng nếp sống văn hóa xóa bỏ dần những tệ nạn trong xã hội.
Đồng thời đây cũng là dịp để cán bộ và Nhân dân nhìn lại kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Thời gian tới, MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chế độ chính sách về xóa đói giảm nghèo, tạo sự đồng thuận trong toàn dân thực hiện tốt quy ước của cộng đồng.