Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN, nhiều lần lặp đi lặp lại rằng đây thật sự là “đổi mới”, “đột phá” khi nói về Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành. Ngay trong quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết đã chỉ rõ: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh: Đây chính là sự đột phá về tư tưởng, là kim chỉ nam và sẽ là cơ sở tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số để VN tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là bước tiến quan trọng trong việc định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực cốt lõi để kinh tế VN bứt phá và tiến vào kỷ nguyên mới. “Thứ nhất, Nghị quyết khẳng định vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Điều này sẽ giúp VN vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Thứ hai, với việc thúc đẩy chuyển đổi số trên phạm vi toàn diện, Nghị quyết mở ra không gian phát triển mới cho các ngành kinh tế. Chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp VN tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, các giải pháp như phát triển chính phủ số và kinh tế số cũng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Thứ ba, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò khơi nguồn sáng tạo, giải phóng tiềm năng từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và từng cá nhân. Đây là cơ hội để chúng ta xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, trong đó mọi nguồn lực xã hội đều được huy động để đóng góp vào sự phát triển chung”, ông Dũng phân tích.
“Điểm đột phá lớn nhất là Nghị quyết nhấn mạnh hoàn thiện thể chế để biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Đây là yếu tố quyết định, bởi thể chế sẽ tạo khuôn khổ cho mọi hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hoàn thiện thể chế ở đây không chỉ là sửa đổi luật pháp, mà còn là tháo gỡ các rào cản hành chính, xây dựng cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Nghị quyết đề xuất cơ chế đặc thù, như “regulatory sandbox” (quy chế thử nghiệm) trong các lĩnh vực công nghệ mới, để VN có thể thử nghiệm các mô hình phát triển mới mà không bị ràng buộc bởi các quy định lỗi thời. Ngoài ra, điểm nhấn khác của Nghị quyết là sự tập trung vào việc đầu tư vào hạ tầng số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là hai yếu tố then chốt để tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững, không chỉ trong khu vực mà còn trên thị trường toàn cầu”, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh thêm.
Cũng cho rằng một loạt chính sách của Nghị quyết 57 là rất quan trọng, mang tính đột phá hàng đầu để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội, TS Phạm Huy Hiệu, giảng viên Kỹ thuật và Khoa học máy tính – Trường Đại học VinUni – Trưởng ban Nghiên cứu, mạng lưới đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng VN, nêu ví dụ như tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2% GDP từ mức 0,4% GDP như hiện nay, tổng chi ngân sách hằng năm dành cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tăng lên 3% là bước thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoặc miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong thử nghiệm công nghệ, do mô hình mới, khách quan mà có thiệt hại về kinh tế… là tư duy cực kỳ đột phá.
Sinh viên khoa Kỹ thuật hoá học (nghiên cứu khoa học) Đại học Bách Khoa (ĐHBK)
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
TS Phạm Huy Hiệu nhấn mạnh: Nghị quyết 57 đưa ra nhiều thay đổi mới phù hợp với bản chất cơ bản của khoa học, đặc biệt là tư tưởng chấp nhận độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu. Điều này đặc biệt quan trọng để các nhà khoa học tự do khám phá những không gian tri thức mới – yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra các đột phá công nghệ. Các nhà khoa học sẽ không cần giới hạn tâm trí của mình chỉ để đảm bảo đề tài được nghiệm thu theo các sản phẩm đăng ký ban đầu. Về cơ chế tài chính, việc nhanh chóng áp dụng cơ chế quỹ (sử dụng cơ chế giải ngân theo tiến độ công việc nhà khoa học đạt được) là phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quản lý khoa học quốc tế. Điều này sẽ giúp “cởi trói” cho nhà khoa học để họ tập trung thời gian, tâm sức và trí tuệ cho hoạt động căn bản và giá trị nhất của họ là triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đào tạo con người. Đặc biệt, đặt niềm tin vào các nhà khoa học, giảm đến tối thiểu các thủ tục tài chính kế toán là mong mỏi từ rất lâu của cộng đồng khoa học. Hơn nữa, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu là phù hợp với bản chất của khoa học và là nền tảng tạo ra các đột phá công nghệ mới. Ông dẫn chứng, vaccine mRNA là nền tảng khoa học chính để tạo ra vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna để chống lại Covid-19 dựa trên công nghệ hoàn toàn mới, chưa từng được áp dụng rộng rãi trước đây. Ban đầu, các nhà khoa học phải đối mặt với sự hoài nghi vì tính ổn định của mRNA trong cơ thể và tốc độ phát triển nhanh chóng. Cuối cùng, công nghệ này đã tạo ra kết quả đột phá và chứng minh hiệu quả vượt trội, cứu hàng triệu sinh mạng trên toàn cầu. Hay một ví dụ khác, trước khi mạng neuron sâu đạt được thành công và tạo ra tác động toàn cầu như hiện nay, cộng đồng khoa học đã có thời kỳ mất niềm tin vào các mô hình này trong khoảng thời gian dài gọi là “AI Winter” (mùa đông AI). Các mô hình mạng neuron sâu yêu cầu tài nguyên tính toán khổng lồ và dữ liệu lớn, mà vào thời điểm đó, không dễ dàng tiếp cận. Chính sự kiên trì và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu đã giúp tiếp tục phát triển công nghệ này, mở ra một loạt ứng dụng mới có tác động lớn thay đổi nền kinh tế và xã hội như hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phải biết chấp nhận cái sai là đầu tiên. Vì những nghiên cứu, sáng chế hoàn toàn bắt đầu từ số 0, không ai biết được đâu là đúng, đâu là sai. Chỉ khi nào bắt tay thực hiện và trong quá trình đó mới có thể đánh giá được đúng hay chưa, hoặc thậm chí đến kết quả cuối cùng đưa vào ứng dụng có hiệu quả hay không… Trong lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp thì tỷ lệ thất bại rất cao. Ước tính trên thế giới cũng chỉ có khoảng 3-5% số doanh nghiệp start-up thành công. Nhưng chỉ cần một vài đơn vị trong đó lớn mạnh thì khả năng bứt phá, trở thành những “kỳ lân” công nghệ, đưa cả nền kinh tế một quốc gia tăng trưởng đột phá rất nhanh. Đây là điều mà những doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống thường phải mất vài chục năm hay có khi cả trăm năm để phát triển mới thực hiện được. Vì vậy, dám chấp nhận cái sai, cho cơ chế thực hiện thí điểm (Sandbox) các lĩnh vực mới hay miễn trừ trách nhiệm khi có thiệt hại về kinh tế khi thử nghiệm các công nghệ mới sẽ là động lực lớn cho tất cả giới khoa học, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động sáng tạo, đổi mới hay cả trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Vấn đề quan trọng tiếp theo là triển khai thực hiện để thực sự thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, để đạt hiệu quả nhanh nhất và cao nhất, cần tập trung vào ba yếu tố: Tăng cường năng lực thực thi, giám sát chặt chẽ và ưu tiên triển khai thí điểm. Hiện VN có nhiều thuận lợi để thúc đẩy khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đó là môi trường chính trị – xã hội ổn định; lực lượng lao động trẻ, năng động, sẵn sàng học hỏi và tiếp cận công nghệ mới; số lượng người dùng internet và smartphone lớn, VN có tiềm năng phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với không ít khó khăn như hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, là một thách thức lớn. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến vẫn còn thiếu. Ngoài ra, thể chế và chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của các ngành công nghệ mới. Một hạn chế nữa là nguồn lực tài chính dành cho nghiên cứu và phát triển còn thấp so với các nước trong khu vực. Để vượt qua các khó khăn này, trước hết cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tăng ngân sách và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào nghiên cứu và phát triển sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp bách. Hệ thống giáo dục cần cải cách sâu rộng, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật số, đồng thời hợp tác với quốc tế để thu hút và đào tạo nhân tài. Hoàn thiện thể chế là yêu cầu tất yếu, cần rà soát và sửa đổi các quy định pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc áp dụng cơ chế “regulatory sandbox” sẽ giúp giảm thiểu rào cản, cho phép thử nghiệm các mô hình mới một cách linh hoạt. Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi thuế, quỹ hỗ trợ nghiên cứu và các quỹ đầu tư mạo hiểm… “Để chính sách đi vào cuộc sống, chúng ta cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, triển khai quyết liệt và tận dụng tối đa các nguồn lực. Nếu thực hiện tốt, VN hoàn toàn có thể vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội để bứt phá trong kỷ nguyên mới”, TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ thêm.
TS Phạm Huy Hiệu cũng cho rằng việc triển khai Nghị quyết 57 là thách thức không nhỏ, đặc biệt trong việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, tính toán lượng tử, năng lượng mới đòi hỏi nguồn đầu tư kinh phí rất lớn, mức độ am hiểu công nghệ sâu sắc và hạ tầng kỹ thuật phức tạp. Ông lưu ý: Hiện nay, lực lượng khoa học kỹ thuật của VN còn hạn chế về quy mô và mức độ đa dạng các lĩnh vực chuyên môn, còn thiếu rất nhiều những nhà khoa học hàng đầu, các tổng công trình sư có khả năng tập hợp, định hình, quản lý và triển khai các dự án nghiên cứu quy mô và tác động lớn. Trong khi đó, việc tiến hành các nghiên cứu trong các lĩnh vực này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chiến lược hợp lý. Thế nên, việc phối hợp giữa các bộ ngành và các cơ quan liên quan để triển khai đúng tinh thần của Nghị quyết 57 một cách hiệu quả cần sự quyết tâm chưa từng có. “Trong thực tế, đã từng có nhiều chính sách tốt, hiện đại, vượt trội đã được đưa ra nhưng các chính sách này chưa từng được triển khai thành công. Thế nên, cộng đồng khoa học công nghệ VN đặc biệt kỳ vọng vào Nghị quyết 57 khi Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, giúp thống nhất về nhận thức và hành động nhằm mục tiêu triển khai thành công những đột phá mới mà Nghị quyết đã đề ra”, ông nhấn mạnh.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/khoi-day-suc-manh-sang-tao-cua-viet-nam-trong-ki-nguyen-so-185250111235324381.htm