Trong mạch nguồn sông nước
Mới đây, Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ hai đã được khai mạc bên sông Sài Gòn. Lễ hội bao gồm một chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật thể thao, ẩm thực, mua sắm… diễn ra trong suốt 10 ngày, được người dân thành phố và du khách hết sức quan tâm, ủng hộ.
Tại lễ khai mạc Lễ hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ hai được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của những dòng sông di sản, lan tỏa niềm tự hào và tình yêu thành phố thông qua chuỗi hoạt động đa dạng, đặc sắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Theo ông Phan Văn Mãi, thông qua Lễ hội sông nước, TP Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng thành sự kiện thường niên dài ngày, quy mô lớn, mang dấu ấn riêng của thành phố.
Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cùng với hệ thống kênh rạch đã định hình nên một TP Hồ Chí Minh với văn hóa sông nước đặc trưng. Từ thời kỳ khai hoang mở đất, các dòng sông đã trở thành con đường giao thông chính, kết nối các khu vực và phát triển kinh tế.
Thế kỷ XVII, khi những người Việt đầu tiên từ miền Bắc và miền Trung vào Nam khai hoang đã chọn vùng đất ven sông để sinh sống. Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch tự nhiên trở thành những con đường giao thông chính, giúp kết nối các khu vực và thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa. Khi ấy, những khu chợ sầm uất, thôn xóm, khu dân cư ven sông cũng được hình thành, quần tụ nhộn nhịp, làm nên nét văn hóa sông nước trong lối sống người Sài Gòn. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn được phát triển thành một thương cảng quan trọng. Hệ thống cảng Sài Gòn và các con sông lớn đã biến nơi đây thành trung tâm giao thương sầm uất, với hàng loạt tàu bè buôn bán qua lại, hình thành một nền kinh tế gắn liền với sông nước.
Trước năm 1975, các khu vực như Bến Bình Đông, Chợ Lớn là nơi tập trung đông đảo ghe thuyền buôn bán. Chợ nổi trên sông là hình ảnh quen thuộc, nơi người dân trao đổi hàng hóa, nông sản và đặc sản từ các vùng miền khác nhau.
Sau năm 1975 và đặc biệt là từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi lớn. Không gian sống của người dân đã rộng mở ra rất nhiều. Lúc này, văn hóa “sông nước” của người dân không chỉ nói đến việc buôn bán, sinh hoạt. Với mạng lưới sông, kênh dày đặc khoảng 913km đường thủy, dòng sông chảy quanh thành phố cùng hệ thống kênh rạch được chú trọng xử lý ngày một trong lành, sạch đẹp hơn đã mang đến cho TP Hồ Chí Minh một vẻ đẹp nên thơ cùng với sự phát triển mạnh về hướng du lịch và dịch vụ. Các nhà hàng, quán cà phê ven sông mọc lên, thu hút người dân và du khách đến thưởng thức cảnh đẹp và không khí trong lành.
Có thể nói, văn hóa sông nước là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Sài Gòn, giúp bảo tồn những giá trị truyền thống và kết nối giữa các thế hệ. Các hoạt động và phong tục liên quan đến sông nước vẫn được duy trì và phát triển, tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất này.
Văn hóa sông nước không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và du lịch của Sài Gòn. Khai thác hợp lý và bền vững các tiềm năng này sẽ giúp thành phố phát triển toàn diện và bền vững hơn. Chính vì thế, vấn đề khôi phục, tái tạo nên văn hóa sông nước đẹp đẽ ở TP Hồ Chí Minh cũng là điều mà chính quyền Thành phố và nhiều chuyên gia đau đáu và nỗ lực nhiều năm qua.
Trả lời truyền thông, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm – Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, người từng có nhiều nghiên cứu về văn hóa sông nước TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cuộc sống của con người ở ven sông, trên sông bây giờ đã chuyển lên trên bộ hết rồi, cho nên để khôi phục lại giống như xưa sẽ là ảo tưởng. Tuy nhiên, cùng với việc cải tạo sông thì chúng ta cũng cần tạo điều kiện để người dân có nghề mưu sinh. Bờ sông phải có khoảng tương đối lớn để làm công viên, để người ta uống cà phê ở đấy, tổ chức những buổi để các nghệ sĩ đến trình diễn một cách miễn phí cho người dân, thì nó cũng hình thành nên văn hóa sông nước.”
Theo các chuyên gia, lợi thế đường sông của TP Hồ Chí Minh có thể kể đến việc thành phố này nằm ở điểm tiếp giáp giữa các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng Tây Nam Bộ. Thế nên, đặc trưng “di sản” văn hóa sông nước của TP Hồ Chí Minh cũng mang nét rất khác lạ. Hướng sông Sài Gòn về phía Đồng Nai, miền Đông, văn hóa sông nước gắn với lịch sử di cư, giao thương… Tuyến đường sông hướng về Soài Rạp, Chợ Đệm lại rất tương đồng với văn hóa sông nước miền Tây. Đây chính là chất liệu tuyệt vời cho việc hình thành con đường kết nối di sản, văn hóa thông qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch.
Biến tiềm năng thành thế mạnh
Có thể khẳng định, văn hóa sông nước chính là một tiềm năng lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cho đến nay, đây chỉ mới nằm ở mức độ tiềm năng, chưa phát huy được thành thế mạnh.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Bốn tuyến sông chính của TP Hồ Chí Minh là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng bằng sông Cửu Long. Lợi thế này giúp TP Hồ Chí Minh vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.
Hiện thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch, 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 cano, tàu gỗ nhỏ. Ngoài ra, khu vực trung tâm thành phố còn có 11 bến thuỷ nội địa phục vụ khách du lịch do Trung tâm Quản lý đường thủy – Sở Giao thông vận tải quản lý. TP Hồ Chí Minh đang có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 45 doanh nghiệp du lịch.
Chèo thuyền kayak trên sông Sài Gòn là một trong những hoạt động thú vị, hút khách. (Ảnh: TCDL) |
Không hề thua kém bất cứ thành phố ven sông nổi tiếng nào, TP Hồ Chí Minh với sông Sài Gòn bao bọc và hệ thống các con kênh nhỏ tạo nên một bức tranh phong cảnh nên thơ. Các khu vực ven sông chứa đựng nhiều di sản văn hóa như các đền chùa, làng nghề, cầu cảng lịch sử… Đây cũng là chất liệu tuyệt vời để khai thác các tuyến du lịch đường sông kết hợp khám phá di tích lịch sử, cũng như thưởng thức, tận hưởng các hoạt động nghệ thuật, giải trí, thư giãn ven sông.
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có định hướng về phát triển văn hóa sông nước và du lịch đường sông với nhiều dự án, chương trình đã và đang đi vào hoạt động. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải tạo lại hệ thống kênh rạch, TP đã xây dựng được những tour thăm quan đường sông phong phú và hấp dẫn. Cạnh đó, hình thức du thuyền ẩm thực trở thành một nét đẹp du lịch ban đêm của TP từ lâu. Tuyến xe bus đường sông đã hoạt động ổn định, được nhiều du khách yêu thích.
TP Hồ Chí Minh cũng đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch đường thủy nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra những điểm nhấn khác biệt để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và hút khách quốc tế. Nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, ẩm thực, kinh tế… liên quan đến sông nước ở TP Hồ Chí Minh được người dân thành phố, du khách ủng hộ nhiệt liệt đã cho thấy sự thành công bước đầu trong nỗ lực khơi dậy, làm sống lại mạnh mẽ văn hóa sông nước Sài Gòn xưa – TP Hồ Chí Minh nay.
Nguồn: https://baophapluat.vn/khoi-day-phat-huy-van-hoa-song-nuoc-tp-ho-chi-minh-post515040.html