Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã tổ chức thành công 28 lần Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Thông qua Giải thưởng đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, với hàng nghìn công trình khoa học được áp dụng rộng rãi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc phỏng vấn TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng.
Phóng viên (PV): Việc tổ chức thành công Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam trong 28 năm qua có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
TSKH Phan Xuân Dũng: Từ năm 1995, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam được Quỹ VIFOTEC tổ chức lần đầu tiên. Đến nay, Giải thưởng đã tổ chức thành công 28 lần, hàng nghìn công trình đoạt giải thưởng đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo được uy tín lớn, góp phần động viên phong trào thi đua yêu nước, nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ trong cả nước. Giải thưởng đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ ở trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
TSKH Phan Xuân Dũng. |
Việc tổ chức thành công 28 lần Giải thưởng cũng là thành công rất đáng ghi nhận trong tiến trình xây dựng, phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp hội và Quỹ VIFOTEC cũng như các Liên hiệp hội địa phương. Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đang cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước từng bước khẳng định được vị thế và thương hiệu, góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức và nhân dân lao động trong cả nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PV: Sau 28 lần tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam có bao nhiêu công trình khoa học dự thi và bao nhiêu công trình đoạt giải. Ông đánh giá về chất lượng cũng như tính ứng dụng của các công trình này như thế nào?
TSKH Phan Xuân Dũng: Qua 28 lần tổ chức, Quỹ VIFOTEC – cơ quan thường trực tổ chức Giải thưởng đã nhận được 3.052 công trình khoa học từ các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ban tổ chức dựa trên kết quả chấm điểm của Hội đồng giám khảo đã tặng bằng khen và trao giải thưởng cho 1.026 công trình khoa học.
Công trình “Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021. |
Với hàng nghìn công trình được ứng dụng vào cuộc sống, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt là chất lượng các công trình đề tài dự thi ngày càng được nâng cao qua các năm, tạo tiếng vang lớn trong giới khoa học, trong các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trên cả nước; được đánh giá tốt bởi tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện hiện tại của đất nước và đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Những công trình đoạt giải thưởng, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, là yếu tố quyết định để các sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực, là cầu nối quan trọng để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến và hiện đại của thế giới.
PV: Theo ông, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách như thế nào để áp dụng nhanh các công trình khoa học và công nghệ nói chung, nhất là công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất?
TSKH Phan Xuân Dũng: Để ứng dụng nhanh hơn các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống, Nhà nước cần có thêm một số chính sách để tạo nên hệ thống đồng bộ. Ví dụ, chính sách về hỗ trợ kinh phí và trợ giá, về miễn giảm thuế, chính sách về bảo hộ quyền tác giả, chính sách về đãi ngộ các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ và chuyên gia quản lý có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt do các giải thưởng tạo ra.
Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có các giải thưởng khoa học và công nghệ để các công trình đoạt giải VIFOTEC có địa điểm triển khai sản xuất đúng với ý nghĩa khoa học công nghệ và kinh tế-xã hội.
Cần khuyến khích các công trình sau khi đoạt Giải thưởng và Hội thi xây dựng thành những dự án sản xuất thử nghiệm (dự án P) hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khoa học và công nghệ. Đề nghị Nhà nước có những biện pháp hiệu quả nhằm thực thi luật bản quyền trong khoa học và công nghệ, tránh hiện tượng “ăn cắp” bản quyền hoặc “giữ bí mật” công nghệ nhằm làm cơ sở cho các động lực phát triển trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học để họ tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có hiệu quả cao đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để triển khai các công trình đoạt giải thưởng có nhiều ứng dụng đem lại hiệu quả cao vào sản xuất và đời sống thông qua Quỹ VIFOTEC.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Nhất cho các tác giả đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022. |
PV: Thời gian tới, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam có giải pháp như thế nào để phát huy được những thành công của 28 lần tổ chức, thưa ông?
TSKH Phan Xuân Dũng: Thời gian tới, Ban tổ chức Giải thưởng sẽ tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của Giải thưởng, tiếp tục hướng trọng tâm vào các công trình thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính ứng dụng cao; một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Qua đó, để khoa học, công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đồng thời các giải thưởng thực sự gắn với những thành tích, kết quả, thành quả của sản phẩm khoa học công nghệ.
Quỹ VIFOTEC sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài để phong trào có được những thành tựu khoa học và công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Quỹ VIFOTEC sẽ xây dựng hệ thống truyền thông đồng bộ, chuyên nghiệp nhằm tuyên truyền để toàn xã hội hiểu hơn và tham gia các hoạt động tôn vinh trí thức, phổ biến để những công trình đoạt giải đi vào cuộc sống. Hỗ trợ các nhà sáng tạo quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, hợp tác với các nước có nền khoa học, công nghệ phát triển. Tổ chức ghi nhận, vinh danh những cống hiến của các nhà khoa học, các nhà sáng chế có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ban tổ chức phải gắn kết hơn nữa vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành trong Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC là: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Có kế hoạch định kỳ họp để rút kinh nghiệm đề xuất các giải pháp trình các cấp có thẩm quyền để Quỹ hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Bộ máy giúp việc của Quỹ cũng cần được củng cố hơn trên tất cả các khía cạnh năng lực, cơ cấu nhân sự, điều kiện làm việc để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn phù hợp với tình hình mới của phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
LA DUY (thực hiện)