Các vấn đề về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa; việc làm cho thanh niên được các bạn trẻ quan tâm gửi đến lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành. |
Tại Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên năm 2023, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố lắng nghe, tin tưởng, giao nhiệm vụ cho thanh niên; xây dựng môi trường để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa; tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp và lập nghiệp.
Định hướng lối sống cho thế hệ trẻ
Thời gian qua, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ngày càng thiết thực, phù hợp, khơi dậy tinh thần tình nguyện, cống hiến của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Từ đó, góp phần xây dựng thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”.
Tuy nhiên, theo bạn Nguyễn Văn Trong- Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, vẫn còn một bộ phận ĐVTN có tư tưởng ngại dấn thân, sống thiếu hoài bão, lý tưởng, thiếu ý thức chấp hành kỷ luật… “Vậy, thời gian tới, Tỉnh Đoàn có giải pháp như thế nào để định hướng, hình thành lối sống đẹp, sống có trách nhiệm cho thanh niên?”- bạn Nguyễn Văn Trong đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, anh Trần Công Khánh- Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long, cho biết các cấp bộ đoàn sẽ triển khai hiệu quả Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”; triển khai các giải pháp cụ thể hóa cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Vĩnh Long thời kỳ mới”.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động, phong trào cách mạng để thu hút thanh niên đến với đoàn, thông qua đó giáo dục ĐVTN một cách thực tiễn, thiết thực…
Quan tâm đến việc phát huy vai trò tuổi trẻ trong tham gia lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội, chị Nguyễn Lê Mỹ Nhân- Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, hỏi: “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có những định hướng, giải pháp gì để nâng cao vai trò của thanh thiếu niên trong việc tham gia tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội?”.
Ông Phạm Quang Chiến- Trưởng Phòng Thông tin- Tuyên huấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tuyên truyền hiệu quả qua các kênh thông tin của đoàn, từ đó cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong ĐVTN. Đặc biệt, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, người trẻ vẫn còn hạn chế trong khả năng nhận diện cũng như phản bác những thông tin xấu, độc khi tham gia mạng xã hội.
Ông Phạm Quang Chiến cũng cho rằng, tổ chức đoàn cần quan tâm phát huy vai trò “thủ lĩnh” của cán bộ đoàn trong tập hợp ĐVTN thông qua mạng xã hội để cùng nhau lan tỏa những điều tích cực.
Bên cạnh, đẩy mạnh xây dựng các trang, tài khoản trên mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến những thông tin chính thống, có định hướng đến ĐVTN và tăng cường chia sẻ những điển hình hay, gương tốt với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy hoa thơm, đẩy lùi cỏ dại”.
Đối với ĐVTN, cần nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội; lan tỏa những thông tin tốt, thể hiện chính kiến trước những thông tin sai trái, mục đích chống phá và báo cáo với tổ chức, cơ quan chức năng để có hướng xử lý…
Đồng hành cùng thanh niên
Các chính sách về lao động, việc làm cũng được các bạn trẻ quan tâm gửi đến lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tại hội nghị đối thoại này. Anh Huỳnh Công Nhựt- Huyện Đoàn Tam Bình, đặt câu hỏi: “Tỉnh có các giải pháp, phương án nào để tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, giúp thanh niên nông thôn có nhiều cơ hội việc làm hơn để khuyến khích họ ở lại địa phương?”.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, cho biết trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp như: kết nối cung và cầu lao động, tăng cường phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để góp phần tăng cường giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 29.000 lao động, tăng hơn 23% so với năm 2021.
Đoàn viên, thanh niên không ngừng thi đua học tập, lao động, sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Cửu Long với mô hình khởi nghiệp “Nấm nhà mình”. |
Tỉnh đã triển khai thực hiện công tác giải quyết việc làm thông qua các kênh như: các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng, phiên giao dịch việc làm trực tuyến và kênh “Người tìm việc- Việc tìm người”… góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo bà Mỹ Hà, bên cạnh những cơ chế, chính sách của tỉnh thì bản thân sinh viên cần chủ động tiếp cận thị trường lao động, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân, nhu cầu thị trường lao động; trang bị cho mình các kiến thức về tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng khác để có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp bản thân và có mức thu nhập cao, ổn định.
Năm 2023 với chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động của đoàn”. Để nâng cao nhận thức cho ĐVTN về chuyển đổi số, chị Võ Thị Cẩm Dung- Huyện Đoàn Mang Thít, hỏi: “Tỉnh Đoàn định hướng như thế nào để các cấp bộ đoàn, ĐVTN tham gia thực hiện chuyển đổi số trong thời kỳ hội nhập?”.
Anh Trần Công Khánh- Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết với sự năng động, nhạy bén và sáng tạo, ĐVTN là lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn tăng cường ứng dụng chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác; số hóa thông tin các hoạt động của đoàn, hội, đội.
Bên cạnh, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho ĐVTN; tuyên truyền, động viên ĐVTN nâng cao tinh thần tự học tập, sáng tạo, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống.
Cùng với đó, chú trọng thực hiện những công trình phần việc ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số; triển khai hiệu quả các tổ chuyển đổi số cộng đồng hỗ trợ người dân trong quá trình tiếp cận với chuyển đổi số; thành lập các tổ công nghệ số thanh niên trong trường học, cơ quan…
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mong muốn mỗi thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; khẳng định rõ thế hệ trẻ hôm nay sẵn sàng kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của cha ông, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc.
|
Bài, ảnh: CẨM HUỆ