(HQ Online) – Tiếp mạch khởi sắc của năm 2023, bước sang đầu năm 2024 hoạt động xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,1 tỷ USD, là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất ngành rau quả. Ảnh: Internet. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt hơn 490 triệu USD, tăng tới 103,9% so với cùng kỳ 2023.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 306 triệu USD, chiếm 62,45% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước trong tháng đầu năm.
So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng tới 121%.
Trước đó, năm 2023 chứng kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng manh và đạt kết quả ngoạn mục 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,67% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 2,24 tỷ USD).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, trong lịch sử ngành rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, chứ chưa nói đến con số 5,6 tỷ USD như năm ngoái.
“Năm đạt kim ngạch cao nhất là 2019 cũng chỉ hơn 3,7 tỷ USD. Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch các năm sau giảm và năm 2022 chỉ đạt gần 3,4 tỷ USD. Năm 2023, lúc đầu Hiệp hội cũng chỉ dự báo kim ngạch cả năm khoảng 4 tỷ USD. Nhưng kết quả cả năm đạt đích 5,6 tỷ USD, về đích sớm 2 năm về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu (trước đó, mục tiêu xuất khẩu rau quả 5 tỷ USD vào năm 2025-PV)”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Về triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên phân tích, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD.
Ngoài sự khởi đầu ấn tượng trong tháng 1/2024, cơ sở để tạo niềm tin về con số 6 tỷ USD là, mặt hàng chủ lực sầu riêng được dự báo sẽ có sản lượng cao hơn năm 2023.
“Năm 2024 sẽ có thêm nhiều diện tích trồng sầu riêng đến kỳ thu hoạch, đồng thời nhu cầu tiêu thụ ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Cùng với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Australia, Hàn Quốc, các nước thuộc Trung Đông…
Một yếu tố quan trọng khác là cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics… cũng đang được phát triển mạnh ở Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có xuất khẩu hàng nông sản.
Điều quan trọng nữa là nhu cầu của người tiêu dùng thế giới đang chuyển sang sử dụng các món ăn có nguồn gốc thực vật, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành rau quả trong năm 2024 và những năm tới.