Tại Sóc Trăng, tình hình hạn, mặn xâm nhập đang diễn ra gay gắt, nông dân ở nhiều địa phương có nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hạn hán, mặn xâm nhập.
Nổi bật có mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương, mô hình tưới phun tiết kiệm nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn xâm nhập.
Tích trữ nước ngọt
Tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) những ngày qua, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: Để thích ứng với tình trạng hạn hán thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp như, khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có thể chịu hạn mặn, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trữ nước ngọt ở các ao, mương vườn để phục vụ sản xuất…
Qua đó, mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương, tưới phun tiết kiệm nước đang đem lại hiệu quả tích cực.
Các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đóng kín nhằm trữ ngọt và ngăn mặn. Ảnh: Tuấn Phi – TTXVN
Năm nay, gia đình ông Lê Văn Đức, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đầu tư nạo vét ao khoảng 1.000m2 để trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu hơn 1ha trồng màu của gia đình. Để tiết kiệm nguồn nước, gia đình đầu tư thêm hệ thống tưới nước phun sương bằng ống nhựa.
Ông Lê Văn Đức cho biết, những năm gần đây vào mùa khô nước mặn lấn sâu vào nội đồng, có khi nước dưới kênh nội đồng độ mặn vượt trên 1 phần nghìn nên không thể bơm lên ruộng lúa cũng như tưới cho cây màu.
Thấy vậy, gia đình mới mạnh dạn đầu tư nạo vét ao để trữ nước ngọt tưới tiêu cho cây màu. Hiện gia đình sản xuất hơn 1ha rau màu các loại đang cho thu hoạch tốt, với giá bán cao hơn 20% so với những lúc không hạn mặn.
Cách đó không xa, hộ gia đình ông Tiền Văn Ngoan (xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) tận dụng mương vườn có sẵn, nạo vét giữ nước ngọt tưới cho vườn chanh dây leo ngọt hơn 1ha.
Ông Ngoan cho hay, những năm gần đây tình trạng hạn, mặn diễn biến phức tạp, rút kinh nghiệm từ những năm trước nên năm nay khi nước mặn chưa xâm nhập, gia đình đã tranh thủ lấy nước đầy mương và đóng cống (cống cá nhân của gia đình) để dự trữ lượng nước tưới cho vườn cây trong mùa khô.
Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú, từ thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, diễn ra gay gắt nhất là trong tháng 3/2024.
UBND huyện Long Phú đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về tình hình diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để người dân chủ động các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Chuyển đổi để thích ứng
Mô hình trồng dưa leo ứng dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi – TTXVN
Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng tới phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả.
Trong mùa khô năm 2024, với dự báo mặn xâm nhập diễn biến gay gắt, UBND huyện đã chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở những vùng có nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất (do mặn xâm nhập) sang trồng các loại rau màu nhằm tiết kiệm nước.
Ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết: hàng năm, mặn thường xuyên xâm nhập gây ra tình trạng hạn hán và thiếu nước sản xuất ở một số vùng của của xã; chính quyền địa phương đã khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu dưới ruộng (trồng trên nền ruộng lúa).
Cũng theo ông Quang, hiện địa phương vận động nhân dân thực hiện gần 50ha luân canh sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu trong năm để đảm bảo nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, hạn hán và hạn chế tình hình dịch bệnh, sâu rầy.
Ông Thạch Giàu (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) năm nay đã trồng hơn 0,6 ha dưa hấu dưới ruộng. Theo ông, Giàu, nếu như sản xuất lúa tốn nhiều nước để sản xuất, thì dưa hấu chỉ cần tưới nước 2 lần/ngày tiết kiệm hơn 80% lượng nước so với trồng lúa.
Do sản xuất dưa hấu dễ dàng tiêu thụ và cho thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa nên cùng với diện tích này, gia đình ông có thu nhập trên 50 triệu đồng, trong khi chăm sóc cũng dễ dàng hơn so với các loại rau màu khác.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Sở đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để tăng cường vận hành công trình thủy lợi lấy và trữ nước ngọt trong nội đồng; khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để trữ nước dự phòng.
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang chủ động tăng cường thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm hiệu quả, chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương.
Các địa phương cũng đã chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn phòng chống hạn mặn và chăm sóc cây trồng, vật nuôi để có thể đạt hiệu quả tốt nhất, thích ứng dần với biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt.