Lần đầu đặt chân tới Lào đã để lại cho tôi vô vàn cảm xúc, kỷ niệm và những bài học mới. Một đất nước Lào thật yên bình với những khung cảnh thơ mộng và những con người bình dị, nghĩa tình.
Đem hương vị Tết quê nhà đến đất nước anh em
Vượt quãng đường khoảng 900km từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội, Việt Nam), tôi và những người bạn Lào mất khoảng 24 giờ đồng hồ để đến bến xe tỉnh Savannakhet (Lào), tính cả thời gian xuất nhập cảnh.
Biết tôi là người Việt Nam sang tham quan và đón Tết Nguyên đán tại Lào, người dân nơi đây đón tiếp tôi rất nhiệt tình, chu đáo, coi tôi như người thân đã lâu chưa gặp. Hơn hết, khi trò chuyện, mọi người luôn nhắc về tình hữu nghị Việt – Lào, một mối quan hệ vô cùng đặc biệt, khăng khít, rồi hát tặng tôi những câu hát: “Em ở bên Tây, anh ở bên Đông/ Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng/ Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng/ Chung bước đi lên xây đắp mối tình / Tình Việt Lào anh em, tình Việt Lào anh em/ Mãi mãi không bao giờ phai”.
Để đáp lại tình cảm thân thương của người dân Lào, tôi tự mình đi chợ mua gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, miến, bánh đa nem… và một số nguyên liệu, gia vị khác để tạo ra một mâm cỗ Tết Nguyên đán Việt Nam ngay trên đất nước bạn, mời mọi người cùng thưởng thức hương vị Tết Việt Nam.
22 tuổi, thú thực đây là lần đầu tiên tôi tự tay chuẩn bị một mâm cỗ Tết Việt Nam hoàn chỉnh. Tôi tự vo gạo, ngâm đậu, tẩm ướp thịt… để gói bánh chưng. Không có lá dong, cũng chẳng có khuôn bánh chưng như ở Việt Nam, tôi phải gói bánh bằng lá chuối.
Dù những chiếc bánh chưng được tạo ra bởi bàn đôi tay vụng về, không được vuông vắn, đẹp mắt, nhưng “thành phẩm” được người Lào đánh giá là “xẹp lãi”, có nghĩa là ngon lắm.
Với tôi, Tết không thể thiếu món nem rán và món hành muối ăn giải ngấy nên tôi đã tìm các nguyên liệu để làm 2 món này. Mâm cỗ Tết Nguyên đán tôi làm tại Lào gồm 6 món: bánh chưng, nem rán, giò, hành muối, súp lơ luộc, thịt gà luộc, kèm thêm một bát nước mắm chấm.
Thấy tôi làm các món ăn của Việt Nam, người dân Lào cũng khá hào hứng, ngỏ ý muốn tôi dạy họ. Mọi người tâm sự, muốn học làm để khi tôi trở về Việt Nam mọi người có thể tự biết cách làm, vì những món ăn của Việt Nam rất ngon, nhất là bánh chưng và nem rán.
Rồi bà con người Lào hướng dẫn tôi làm món bánh chưng của Lào và cách làm tháp hoa để dâng vào các ngày lễ.
Nguyên liệu làm bánh chưng tại đất nước triệu voi gồm có gạo nếp, đỗ đen, chuối chín, muối và đường. Tất cả các nguyên liệu được gói trong lá chuối tươi, buộc chặt bằng lạt và luộc trong khoảng 5 giờ đồng hồ.
Những tháp hoa để dâng lễ tại Lào được làm rất đẹp, tuy chỉ từ 2 nguyên liệu chính là lá chuối và hoa, nhưng để tạo ra rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải thật sự tỉ mỉ, khéo tay.
Khám phá những điều mới mẻ
Savanakhet (Lào) là một tỉnh giáp với tỉnh Mukdahan (Thái Lan) qua sông Mê Kông. Khi ở đây, tôi đã không bỏ lỡ dịp ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống tại con sông nổi tiếng. Hình ảnh mặt trời màu cam rực rỡ in bóng xuống dòng sông với những con thuyền cập bến tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng, tựa chốn thần tiên.
Ngoài tỉnh Savannakhet, tôi cũng có rất nhiều bạn ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Do đó sau nhiều ngày ở Savannakhet, tôi lên xe khách tới thủ đô Viêng Chăn, cách Savannakhet khoảng 500km, để khám phá những điều thú vị mới.
Tới Viêng Chăn, tôi được những người bạn Lào dẫn đi tham quan những công trình đặc biệt nơi đây. Đầu tiên là chùa That Luang, công trình Phật giáo nổi tiếng với lịch sử lâu đời hơn 450 năm tuổi và là nơi chứa đựng văn hóa, tín ngưỡng của người dân bản địa.
Với độ cao 45 mét, gồm một tháp chính và các tòa tháp phụ bao quanh, tất cả đều được sơn thếp vàng đẹp mắt. Ngôi chùa không chỉ được biết đến với cái tên chùa That Luang mà còn được mọi người gọi là ngôi chùa vàng nổi tiếng của Lào, thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái.
Lào có rất nhiều chùa, với có khoảng 1.400 ngôi chùa trên cả nước. Chùa ở Lào thường được xây dựng trên khu đất trung tâm, cổng chính hướng về phía Tây và các cổng phụ ở ba phía còn lại.
Quần thể chùa thường có 3 ngôi nhà chính là: Phật điện, Phật đường và Tăng phòng. Phật điện là nơi quan trọng nhất, dành riêng cho sư tăng thực hiện các nghi thức Phật giáo. Phật đường là nơi sinh hoạt chung của sư tăng và là nơi để các tín đồ đến hành lễ. Tăng phòng là nơi ở của các sư.
Trong chùa cũng có một số công trình phụ trợ như thư viện, lầu trống, nhà khách… Ngoài ra, trong quần thể chùa Lào còn có hệ thống tháp gồm 2 loại: Tháp thờ xá lợi Phật hoặc liên quan đến Phật và tháp đựng xương cốt người đã khuất.
Tiếp đến chúng tôi ghé thăm Khải Hoàn Môn Patuxay Gate, được xem là một điểm đến du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm thủ đô Lào.
Khải Hoàn Môn Patuxay là một biểu tượng chiến thắng của người Lào, được xây dựng vào năm 1957 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào, vì vậy, nó còn có tên gọi khác là Đài chiến sĩ vô danh.
Đứng trên tầng cao nhất (tầng 7) của tòa tháp, chúng ta có thể bao quát được tất cả những gì tinh túy nhất của thủ đô yên bình này.
Tôi còn được những người bạn dẫn tới chiêm ngưỡng Nhà Quốc hội Lào, công trình là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt – Lào.
Chia tay đất nước Lào sau 15 ngày gắn bó, trong tâm trí tôi nhớ mãi hình ảnh về một đất nước anh em tươi đẹp, yên bình với những con người hiền hòa, mến khách và những khung cảnh đẹp xao xuyến lòng người.
Ảnh: DIỆU HUYỀN
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.