Đây là một sự ghi nhận đáng tự hào dành cho Tạ Hải sau những “khoảnh khắc” mà anh đã dấn thân tìm kiếm, chờ đợi và cống hiến.
“Có ai đó đã từng nói: Cái khổ của người chụp lại thích hãnh diện vì một kết quả không bao giờ thực, phóng viên tạo ra tình huống theo chủ đích, thì giá trị không bằng tấm ảnh thẻ, vì ít ra nó hiện diện một điều là chứng thực, thay cho những sắp xếp, bày dựng đó. Câu nói này có hơi quá không, khi nói về ảnh báo chí hay không, thưa anh?”
“Không hề quá chút nào, những phóng viên ảnh như chúng tôi, khoảnh khắc là sự quyết định. Khoảnh khắc ấy xảy ra khi các yếu tố về mặt thị giác và biểu hiện cảm xúc trong đời thực cùng đồng thời diễn ra một cách “bất ngờ” và “chóng vánh”, tạo nên một mối tổng hoà hoàn hảo để diễn đạt được cái “chất”, cái “hồn” của một tình huống. Đó là một khoảnh khắc không thể khôi phục lại được, một khi đã trôi qua. Phóng viên ảnh bắt buộc phải có mặt ở hiện trường, tìm kiếm, bằng kỹ năng, kinh nghiệm “chớp” được những khoảnh khắc đó”.
Và câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu như thế…
6 ngày 5 đêm trên đại công trường
Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, lần đầu tiên một tuyến cao tốc chạy dọc đất nước đang được đầu tư xây dựng. Khát vọng có 5.000km cao tốc vào năm 2030 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra đang ngày đêm được những người thợ, kỹ sư ngành giao thông vận tải hiện thực hóa, hình hài con đường cao tốc đang dần hiện hữu.
Xách ba lô lên đường vào những ngày giữa tháng 5/2022 trong cái nắng nóng oi nồng với chỉ thị của Ban Biên tập Báo Giao Thông: “Không tìm được góc nhìn mới, câu chuyện hay về người thật, việc thật, các anh đừng về”, Tạ Hải và đồng nghiệp hiểu rằng đây là nhiệm vụ, song cũng là cơ hội để hòa mình với cuộc sống của những “phu đường” – những người lao động khổ cực cần mẫn bên cạnh những máy móc, thiết bị hạng nặng – họ có thể sẽ bị lãng quên bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cao.
Tạ Hải kể, từ trung tâm Thủ đô, sau hơn 2 giờ di chuyển trên xe khách tới Dốc Xây (Thanh Hóa), thêm 10 phút men theo lối tắt dẫn vào địa phận thi công dự án thành phần Mai Sơn – QL45, hiện lên trước mắt các anh là một tuyến đường thẳng tắp đã nên hình hài, không còn là đồng không mông quạnh, núi rừng rậm rạp như thời điểm hai năm trước đó.
“Trước mắt chúng tôi là đoàn xe lu dài tít tắp nối đuôi nhau lèn lớp đỉnh cấp phối đá dăm. Xe nào xe đấy vận hành như được lập trình trước, tiến tiến, lui lui như mắc cửi. Một người lái xe nước da đen nhẻm, hai lỗ tai bịt kín bằng bông gòn bước xuống xe, hình ảnh để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng” – Tạ Hải nói.
Trò chuyện với những người lái lu, Tạ Hải biết rằng, những người đàn ông lái lu lâu năm và ngồi rền trên xe lu ở công trường này hầu như sẽ bị nặng tai và còn mắc nhiều chứng bệnh khác, nhẹ thì đau vai gáy, nặng thì bệnh thận, thoái hóa cột sống. Đây đều là bệnh đặc hữu của nghề lái lu hay còn được gọi với cái tên mỹ miều hơn là kỹ sư vận hành “máy đè đất”. Và đúng rồi, những tuyến đường thẳng tắp ngày càng được nối dài là sự in hằn những năm tháng lao động hăng say của những kỹ sư vận hành “máy đè đất” ấy.
Trong 6 ngày 5 đêm, phóng viên ảnh Tạ Hải “ba cùng” – cùng ăn, cùng ngủ – cùng làm với những “phu đường” trên đại công trường từ Bắc đến Nam và tiếng máy rộn rã ngày đêm.
“Mỗi kilômét đường được làm nên không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn là sự cống hiến của tuổi trẻ, sự cất giấu của hạnh phúc cá nhân của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động ngành giao thông vận tải… Tôi cảm nhận thật rõ nét điều đó và muốn thể hiện cảm xúc ấy qua từng bức ảnh” – Tạ Hải bày tỏ.
““Alo, an toàn chưa?”, “An toàn”…, “3…2…1… nổ…đoàng”, tiếng mìn nổ xé toang màn đêm như muốn làm tung lồng ngực của những người bên cạnh. Đó là không khí diễn ra hằng ngày tại hầm Thung Thi – công trình hầm lớn nhất và là một trong những hạng mục quan trọng nhất của tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – QL45” – cũng là những khoảnh khắc đắt giá được Tạ Hải ghi lại trong những bức ảnh của mình gửi đến Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” của báo Nhà báo & Công luận…
Khi “khoảnh khắc” đến với “Khoảnh khắc”
Đến giờ khi kể lại câu chuyện với tôi, phóng viên ảnh Tạ Hải vẫn nhiều lần rùng mình, cảm xúc của anh bồi hồi như khi tác nghiệp vào đêm đó. Để đảm bảo an toàn, đơn vị thi công yêu cầu Tạ Hải tác nghiệp cách nơi nổ mìn 500m. Lần đầu tiên anh được chứng kiến công tác chuẩn bị cho việc nổ mìn phá núi thông đường. “Cảm xúc lúc đó rất khó tả, tôi ngắm nghía, căn chỉnh kỹ lưỡng nơi đặt chân máy. Và bắt đầu chờ đợi “khoảnh khắc” đến và bấm máy” – Tạ Hải chia sẻ.
Đại công trường cao tốc Bắc Nam với hàng loạt hầm xuyên núi đã và đang được đào thông không chỉ giúp cao tốc có hướng tuyến tối ưu mà còn làm cho con đường cao tốc huyết mạch của đất nước thêm kỳ vĩ. Để sản lượng thi công tăng lên từng ngày, việc thi công ở Hầm Trường Vinh và những hầm xuyên núi khác thường được thực hiện xuyên màn đêm.
Rất nhiều người cho rằng để chụp khoảnh khắc trong câu chuyện này, sự việc kia sẽ dễ dàng đạt được nếu như máy ảnh có “fps” (frame per second – khung hình trên giây) cao… Tuy nhiên với những phóng viên ảnh như Tạ Hải họ đến hiện trường với tinh thần mang lại những hình ảnh chân thực nhất nhưng phải truyền tải được cảm xúc cũng chân thực nhất thì “fps” chỉ là công cụ.
Một loạt ảnh được chụp như súng liên thanh đôi khi có thể hữu ích và tăng khả năng bắt được những bức ảnh gọi là “đúng khoảnh khắc”, nhưng sự hào hứng mà người chụp nhận được khi quan sát một khoảnh khắc, tính toán nhịp độ của nó, dựa vào bản năng của họ, nín thở, chờ đợi, quyết định thời điểm để bấm máy… và rồi vỡ oà khi nhìn thấy được thành phẩm là vô giá. “Thật sự là vô giá bởi nó là một trải nghiệm mà bất cứ một phóng viên ảnh thực thụ nào cũng muốn trải qua trong đời. Và niềm hạnh phúc còn được nhân lên nhiều lần, khi những tác phẩm, những khoảnh khắc mà tôi đã đi tìm, chờ đợi, khao khát lại được vinh danh tại một Giải thưởng ảnh – một sân chơi hiếm hoi cho những phóng viên ảnh trong cả nước – Giải “Khoảnh khắc báo chí” – Tạ Hải cho biết.
Những ngày tác nghiệp với cái nắng oi bức, bỏng rát trên công trường hòa với mùi nhựa đường, những đêm ngủ trên phản trong các lán trại tạm, mối bâu kín màn, những bữa cơm vội vàng với các công nhân làm đường trên trục đường di chuyển từ Ninh Bình đến cuối Nghệ An đã trở thành những ký ức không thể nào quên với Tạ Hải.
Don McCullin – một phóng viên ảnh nổi tiếng người Anh đã từng nói: “Nhiếp ảnh không phải là nhìn, mà là cảm. Nếu bạn không thể cảm nhận được những gì bạn đang nhìn, thì bạn sẽ không thể nào làm cho người xem cảm nhận bất cứ điều gì khi họ nhìn vào bức ảnh của bạn”. Tạ Hải sau những ngày đêm nhìn thấy và cảm nhận những hình ảnh, những câu chuyện ở đại công trường Bắc – Nam giờ đây đang đứng trên bục nhận Giải vàng. Khi “khoảnh khắc” anh đã dấn thân để mang đến người đọc, được “Khoảnh khắc Báo chí” ghi nhận và trao giải – đó cũng chính là “khoảnh khắc” vinh quang, đầy tự hào và xứng đáng cho những phóng viên ảnh như Tạ Hải với sự cống hiến, khát vọng muốn chinh phục những khó khăn, đi tới những nơi hiểm nguy nhất để ghi lại khoảnh khắc giá trị nhất.
Hoà Giang