Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Mỹ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam) thực hiện nhiệm vụ “Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia” làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định của Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Cục đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đúng trình tự và tiến độ quy định, hoàn thiện Hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và báo cáo Bộ kết quả thực hiện. Bộ đã xem xét và có Tờ trình số 86/TTr-BTNMT ngày 28/12/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngày 3/3/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1345/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc “giao các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương rà soát các Quy hoạch chuyên ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Cục Địa chất Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT Công văn số 1518/BTNMT-ĐCVN ngày 13/3/2023 đề nghị các Bộ Công Thương, Xây dựng phối hợp rà soát các Quy hoạch chuyên ngành liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Bộ TN&MT, Cục Địa chất Việt Nam đã nhận được ý kiến rà soát của Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Ngoài ra, thời gian qua, Cục Địa chất Việt Nam tiếp tục nhận được thêm một số kiến nghị, đề xuất bổ sung (khác so với các ý kiến đồng thuận trước đây) của UBND các tỉnh (Bình Thuận, Đắk Nông) liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Cục Địa chất Việt Nam đang tích cực rà soát, tổng hợp toàn bộ các ý kiến góp ý và hoàn thiện Hồ sơ báo cáo Bộ TN&MT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Giải trình chi tiết về kết quả phối với 2 Bộ và các ý kiến khác nhau của UBND các tỉnh, Phó Cục trưởng Trần Mỹ Dũng cho biết: Về cơ bản, UBND các tỉnh, các Bộ, ngành đồng thuận với phương án khoanh định. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đang tiến hành lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để thay thế các Quy hoạch khoáng sản trước đây và UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó căn cứ nhu cầu huy động vào Quy hoạch khoáng sản và nhu cầu về quỹ đất để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm trong định hướng của các tỉnh dẫn đến có các đề xuất, điều chỉnh, bổ sung liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được khoanh định, bổ sung tại Tờ trình số 86/TTr-BTNMT nêu trên. Trong đó, tập trung chủ yếu là khoáng sản titan (trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) và bauxit (trên địa bàn tỉnh Đắk Nông). Cục Địa chất Việt Nam đã báo cáo về các vấn đề phát sinh và đề xuất hướng xử lý để Bộ TN&MT xem xét, quyết định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam lập báo cáo chi tiết hơn về tài nguyên, trữ lượng; hiện trạng cấp phép thăm dò, khai thác, trữ lượng huy động vào khai thác; nhu cầu tài nguyên, trữ lượng trong Quy hoạch khoáng sản; nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh thông qua các dự án đối với khoáng sản bauxit tại Tây Nguyên (tập trung vào các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước) và quặng titan đối với tỉnh Bình Thuận. Từ những kết quả trên, cần tổng hợp chi tiết từ đó đưa ra phương án khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phù hợp với từng tỉnh, trong đó có 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận.