Thông tin về việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa 1 vụ sang trồng hoa hồng và một số giải pháp của cơ quan chuyên môn trong bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường tại một số xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, cho biết: Một số khu vực trên địa bàn các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ và TP. Lai Châu đã phát triển diện tích trồng hoa hồng 100ha.
Ngoài diện tích trồng hoa được thực hiện theo Đề án phát triển hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh còn có nhiều hộ thuê lại đất lúa 1 vụ để các tổ chức, cá nhân dưới Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc lên trồng hoa, diện tích hiện tăng lên 171ha.
Trong đó, 63,4ha tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường. 1,5ha tại thị trấn Tân Uyên. 25ha tại thị trấn Sìn Hồ, xã Sà Dề Phìn và 81,5ha tạ San Thàng, Sùng Phài, Quyết Thắng, Đông Phong.
Do đặc tính sinh trưởng của hoa hồng khá nhiều sâu bệnh, dẫn đến việc người trồng hoa sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ, hữu cơ cao hơn so với những cây trồng khác. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nhất là khu vực Tả Lèng gần nhà máy nước, cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Lai Châu. Việc để xảy ra tình trạng này do các xã, phường, huyện, thành phố chưa chặt chẽ trong quản lý đất đai. Để người dân tự ý chuyển mục đích đất không xin phép và đăng ký với địa phương và thiếu kiểm tra, đánh giá các điều kiện quy định về bảo vệ nguồn nước trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến một số diện tích trồng hoa hồng ở gần trong phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước.
Trước đó, ngày 5/4/2021, UBND tỉnh Lai Châu ban hành văn bản số 829/UBND-KT, về việc tăng cường quản lý môi trường trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Và Công văn số 922/UBND-KTN, ngày 17/3/2023, chỉ đạo tạm dừng việc cho thuê đất trồng hoa hồng.
Ông Hùng, cho biết thêm: Trước thực tế đó, Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu và UBND các huyện, thành phố đã tuyên truyền hướng dẫn các hộ trồng hoa ký cam kết trong quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các hộ trồng hoa không sử dụng phân bón hữu cơ chưa qua xử lý để bón cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục chưa được phép sản xuất, kinh doanh, thuốc không rõ nguồn gốc.
Xây dựng bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thu gom theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường việc quản lý đất trồng lúa nước, nghiên cứu, đề xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để đưa vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Lập, phê duyệt kế hoạch hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định. Tăng cường quản lý chuyển đổi sử dụng đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Để kiểm soát chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung vào kế hoạch quan trắc môi trường của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 tại các vị trí lấy mẫu đất, mẫu nước, không khí thải ở những khu vực trồng hoa hồng, nhất là các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập danh mục nguồn nước thải, lập hành lang bảo vệ nhằm hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực nguồn nước.
Cũng theo thông tin của Sở TN&MT Lai Châu, đến nay các xã, phường, huyện, thành phố đã dừng không phát triển mở rộng diện tích trồng hoa hồng tự phát, nhất là trồng hoa hồng tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt, gần các khu dân cư tập trung.