(ĐS 21/6) – Mặc dù thời gian qua việc xúc tiến kết nối thị trường du lịch giữa các địa phương của Lào và Quảng Nam, Đà Nẵng được đẩy mạnh, tuy vậy hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Dự kiến, ngày 21/6, Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương sẽ đón đoàn khách caravan du lịch bằng xe ô tô qua biên giới (theo đường bộ) với khoảng 14 xe tự lái, 27 người tham gia. Đây là đoàn khách có xuất phát từ vùng Đông Bắc Thái Lan qua Lào vào cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương cho biết, trước khi đường bay trực tiếp Viêng Chăn – Đà Nẵng khai trương (30/3/2023), bình quân mỗi tháng Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương đón 1 – 2 đoàn khách từ Lào vào Quảng Nam theo hình thức transit (quá cảnh) qua cửa khẩu Nam Giang.
“So với một số dòng khách khác, khả năng khai thác thị trường du lịch Lào yếu do dân số ít (khoảng 7,5 triệu người), đặc biệt kinh tế Lào phát triển chưa cao, số người đi du lịch không nhiều, chủ yếu đi theo nhóm nhỏ 10 -15 khách”, ông Thủy thông tin.
Mặc dù có đường biên giới chung, nhưng thời gian qua lượng du khách Lào đến Quảng Nam thực tế không nhiều, hầu như luôn đứng vị trí cuối bảng trong cơ cấu khách quốc tế tại Quảng Nam.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ có 485 lượt khách Lào du lịch vào Quảng Nam. Cao nhất, tháng 2 (243 khách) và thấp nhất tháng 1 (34 khách). Ngoài đường bay trực tiếp Viêng Chăn – Đà Nẵng mới khai trương (tần suất 2 chuyến/tuần), phần lớn khách Lào đến miền Trung từ hai đầu đất nước (thông qua 2 đường bay trực tiếp kết nối Lào với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) hoặc đường bộ qua các cửa khẩu, nhưng số này không nhiều do hạ tầng giao thông hạn chế, kể cả từ phía Lào.
Theo ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà, không chỉ khách Lào vào miền Trung thấp, khách Việt du lịch sang Lào cũng khá ít. Bên cạnh hạ tầng đường bộ đi lại khó khăn, thì giá vé máy bay cao, chi phí lớn chính là nguyên nhân cản trở việc trao đổi khách du lịch qua lại.
Theo tính toán của ông Lộc, với giá vé máy bay và mức phí dịch vụ hiện tại, giá tour 4 ngày 3 đêm rơi vào khoảng 600 – 650 đô la Mỹ, tương đương và cao hơn một số nước trong khu vực. “Việc kết nối thành công thị trường Lào không chỉ thu hút được dòng khách du lịch tại chỗ mà còn giúp đón đầu lượng khách lớn từ Đông Bắc Thái Lan trung chuyển qua Lào vào miền Trung Việt Nam”, ông Lộc phân tích.
Với tâm lý thích tắm biển, lưu trú ở những khách sạn gần biển nên Quảng Nam, Đà Nẵng được đánh giá có lợi thể lớn để đón dòng khách Lào. Từ năm 2012, hãng Hàng không Lao Airlines cũng đã mở đường bay tới miền Trung trên tuyến Viêng Chăn – Savannakhet – Pakse – Đà Nẵng nhưng sau đó tạm dừng do nhu cầu thấp.
Trong kế hoạch thu hút khách đến Quảng Nam của ngành du lịch, Đông Nam Á được xem là một trong những thị trường chính tiềm năng do lợi thế không gian gần, đi lại tương đối dễ dàng. Thậm chí, với một số địa phương Lào, khoảng cách đến Quảng Nam, Đà Nẵng đi trong ngày.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, thị trường khách Lào rất tiềm năng, tuy nhiên, không thể lý giải được vì sao thời gian qua khách Lào đến Quảng Nam rất ít. Điều này không chỉ ở Quảng Nam, ngay cả tỉnh Quảng Trị, khách Lào qua cửa khẩu Lao Bảo cũng sụt giảm dần.
“Khách Lào đi đường bộ đến Quảng Nam đôi khi còn nhanh hơn từ Tây Nguyên xuống nhưng không hiểu vì sao rất ít. Tất nhiên, ngoài hạ tầng giao thông hạn chế thì tôi nghĩ cần phân tích ở nhiều góc độ như công tác quảng bá xúc tiến…
Do đó phải tìm hiểu kỹ, kể cả từ ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Quảng Trị, nơi có truyền thống đón khách Lào lâu nay”, ông Sơn chia sẻ và cho biết dự kiến tháng 7 hoặc tháng 9 tới Sở VH-TT&DL sẽ có chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại Lào, nhằm tìm hiểu thực tế, kết nối đối tác, thu hút du khách về Quảng Nam, lúc đó mới có những đánh giá và giải pháp cụ thể đối với thị trường khách Lào.