Nao lòng bởi những gì mà con người nơi đây đã kiên cường tạo nên, từ những thửa ruộng bậc thang trải dài theo dốc núi hay những ngôi nhà trình tường làm bằng đất, những bờ rào đá và đặc biệt là tập quán canh tác trên nương đá tai mèo của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nằm trên một diện tích rộng lớn, xấp xỉ 2.356km2, cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi đá cao trên 1.000m. Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, là kho tàng lịch sử về sự phát triển địa chất phức tạp và lâu dài của vỏ trái đất. Cao nguyên đá Đồng Văn có tới hàng trăm biểu hiện di sản địa chất, địa hình, địa mạo… được đánh giá là đa dạng và bảo tồn tốt trong điều kiện tự nhiên của khu vực.
Không chỉ mang giá trị to lớn về khoa học, công viên địa chất còn có sức hút đặc biệt với ngành du lịch bởi cảnh quan của nó. Như lạc vào cõi đá, chỉ trừ con đường trước mặt còn quay sang trái, sang phải đều là những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những vách núi dựng đứng hiên ngang cùng những vực sâu hun hút. Giữa mênh mông núi đá, con người dường như trở nên nhỏ bé lạ thường.
Người dân ở đây sống chung với đá, cùng đá tạo dựng cuộc sống kiên cường khi chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Màu xám của đá núi đã không còn u ám bởi từ các hốc đá, cây vẫn vươn lên một màu xanh thành những nương cải, ngô, đậu, lúa. Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, tri thức canh tác hốc đá đơn thuần là những kinh nghiệm, kỹ năng làm nông nghiệp thích nghi với điều kiện tự nhiên mà họ được truyền đạt, đúc kết qua nhiều thế hệ để phục vụ cuộc sống.
Nhưng theo thời gian, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa được hình thành cùng với tập quán canh tác này như tín ngưỡng nông nghiệp, những tập tục trong đời sống đã trở thành bản sắc riêng có. Hình ảnh những nương ngô xanh mướt, những nương cải trổ hoa vàng rực cùng lác đác dáng người lom khom trên nương hay những người phụ nữ cần mẫn gùi đất sẽ là những minh chứng nhân văn cho tinh thần vươn lên của con người trong gian khó.
Tạp chí Heritage