Lần đầu tiên sau nhiều năm, điền kinh Thanh Hóa đã “vắng mặt” trong bảng thành tích tại một kỳ SEA Games và phần nào “lặng lẽ” hơn ở đấu trường quốc gia. Đây thực sự là “khoảng lặng” cần thiết để bộ môn thể thao này có sự trở lại trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Quách Công Lịch (số 305) là thủ lĩnh của đội tuyển điền kinh Thanh Hóa hiện nay.
Sau nhiều kỳ tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á và giành được những thành tích ấn tượng, điền kinh Thanh Hóa lần đầu tiên trắng tay khi không giành được tấm huy chương nào tại SEA Games 32 trến đất Campuchia.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – năm 2022, điền kinh Thanh Hóa chỉ có 1 HCV của VĐV Quách Công Lịch. Đây là kỳ đại hội mà bộ môn thể thao thế mạnh của Thanh Hóa đạt thành tích thấp nhất. Sự thiếu vắng VĐV chủ lực Quách Thị Lan do dính doping cũng là nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút về thành tích của điền kinh Thanh Hóa. Nếu có sự góp mặt của nữ VĐV sinh năm 1995 này, có thể điền kinh Thanh Hóa sẽ giành được những thành tích tốt hơn. Trước mắt, Quách Thị Lan tiếp tục bị cấm thi đấu và chưa thể trở lại. Đây cũng là thời điểm để đội tuyển điền kinh Thanh Hóa có sự tính toán về mặt nhân sự, sẵn sàng cho phương án thay thế Quách Thị Lan.
Không chỉ vậy, đã đến lúc điền kinh Thanh Hóa cần có sự chuyển giao lực lượng khi những VĐV kỳ cựu như Quách Công Lịch, Lê Văn Thao, Lương Văn Thao, Trương Thị Thu (nhảy sào)… đã ở phía bên kia “sườn dốc” của sự nghiệp. Ngay ở đấu trường quốc gia, những VĐV này đã thất bại trước những gương mặt trẻ đến từ các đơn vị khác.
Đến nay điền kinh Thanh Hóa đã trình làng lứa VĐV kế cận mới được rèn giũa ở các giải trẻ quốc gia như Bùi Thị Thu Hà, Lê Thị Bích, Bùi Văn Dũng, Phạm Thị Vân Anh, Hà Văn Nhật, Lê Trung Đức… Tại Giải trẻ vô địch quốc gia năm 2022, đội tuyển điền kinh Thanh Hóa xếp thứ 3 toàn đoàn với 3 HCV, 2 HCĐ. Bên cạnh đó, các chân chạy như Bùi Thị Thu Hà, Lê Trung Đức, Hà Văn Nhật cũng đã nhiều lần giành huy chương cá nhân, đồng đội tại giải chạy Tiền Phong Marathon những năm qua. Điều này đã khẳng định, Thanh Hóa luôn có những VĐV trẻ tài năng. Sau thế hệ Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Trương Thị Thu, Lê Trọng Hinh… đã đến lúc những VĐV trẻ kế cận gánh vác trọng trách của mình. Nhưng để những gương mặt trẻ có thể giành được thành tích như “đàn anh, đàn chị” sẽ cần một khoảng thời gian nữa. Điều này đồng nghĩa với việc điền kinh Thanh Hóa sẽ chấp nhận với việc thành tích tại giải vô địch quốc gia, các giải quốc tế sẽ đi xuống. Trên thực tế, ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Thanh Hóa đã sớm xác định điều này, không hề tạo sức ép về thành tích đối với các VĐV. Thay vào đó là sự động viên, tạo điều kiện để các VĐV trẻ phát huy hết tài năng của mình.
Năm nay điều kiện tập luyện của đội tuyển điền kinh Thanh Hóa được cải thiện đáng kể khi đường piste sân vận động tỉnh được thay mới, hiện đại hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng khi thế mạnh của đội tuyển là các nội dung chạy cự ly như 400m, 400m vượt rào, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m, 10.000m, bán marathon, các cự ly chạy tiếp sức, nhảy sào… Việc được tập luyện trên đường piste mới, hiện đại, còn giúp đội tuyển điền kinh Thanh Hóa đầu tư thêm các cự ly như chạy 100m, 200m, nhảy cao, nhảy xa… Bên cạnh đó, 2 năm trở lại đây đội tuyển điền kinh Thanh Hóa cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo trẻ, xem đây là sự chuẩn bị dài hơi cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X – năm 2026, SEA Games 33 – năm 2025 và các giải đấu khác.
HLV trưởng Đội tuyển Điền kinh Thanh Hóa Lưu Văn Hùng cho biết: Đây thực sự là giai đoạn khó khăn của bộ môn khi bước vào quá trình chuyển giao lực lượng. Các VĐV trẻ dù đã có thành tích tại các giải trẻ quốc gia, nhưng để vươn lên ở đấu trường như giải vô địch quốc gia phải cần thêm thời gian để rèn giũa về chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện, bộ môn cũng đã tạo điều kiện để các em được tham gia thi đấu tại các giải đấu ở nhiều cấp độ trong năm. Giải vô địch điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia năm 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 21-6 được xem là đợt sát hạch quan trọng với các VĐV của Thanh Hóa. Kết quả thi đấu của từng VĐV sẽ là cơ sở để ban huấn luyện rút kinh nghiệm, có sự đánh giá chính xác nhất, qua đó có sự đầu tư cho các VĐV, các nội dung thế mạnh. Bên cạnh đó, đội tuyển cũng đã có những gương mặt xuất sắc được triệu tập lên đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia. Đây là cơ hội để các VĐV trẻ được tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 1 (Hà Nội).
Thêm vào đó, điền kinh Thanh Hóa cũng đã có những sự điều chỉnh linh hoạt khi đầu tư cho nội dung ba môn phối hợp (triathlon). Đây là nội dung vẫn thuộc sự quản lý của bộ môn điền kinh. Thành quả rõ nét nhất đó là tấm HCV ở nội dung duathlon tiếp sức hỗn hợp của bộ môn triathlon (ba môn phối hợp) do 4 VĐV Hà Văn Nhật, Lê Thị Lan, Bùi Văn Dũng, Lê Thị Bích giành được tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.
Những tín hiệu tích cực từ công tác đào tạo trẻ và quyết tâm mỗi ngày của các HLV, VĐV là cơ sở quan trọng để điền kinh Thanh Hóa vượt qua giai đoạn thử thách hiện nay, có sự chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn phát triển mới, hướng tới những mục tiêu lớn phía trước.
Bài và ảnh: Mạnh Cường